Nhật-Trung-Hàn bắt đầu đàm vòng đàm phán FTA thứ 3

Ngày 26/11 tại Tokyo, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu vòng 3 các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Nhật-Trung-Hàn bắt đầu đàm vòng đàm phán FTA thứ 3 ảnh 1Một cửa hàng bán rượu nhập khẩu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 1/7/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/11, tại Tokyo, các quan chức Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thứ ba về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ba bên.

Tại vòng đàm phán này, ba nước dự kiến thảo luận về 15 hạng mục, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ, lương thực thực phẩm, môi trường, thương mại điện tử, dịch vụ...

Vòng đàm phán 4 ngày này diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh và Seoul vẫn "băng giá" do tranh chấp lãnh thổ và sự khác biệt về lịch sử thời chiến tranh.

Tuy vậy, một quan chức Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết ba nước vẫn hợp tác với nhau trong tiến trình thúc đẩy các cuộc đàm phán FTA và sự bất hòa chính trị không ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán.

Trước khi bước vào vòng đàm phán mới, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Yasumasa Nagamine bày tỏ hy vọng vòng đàm phán sẽ đạt tiến bộ về các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, thương mại điện tử...

Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cũng hy vọng rằng ba nước sẽ tiếp tục "có sức đẩy tốt" để tạo ra kết quả thực sự.

Trước đó, ba nước đã tiến hành vòng đàm phán FTA đầu tiên ở Seoul hồi cuối tháng 3 và vòng thứ hai ở Thượng Hải từ ngày 30/7 đến ngày 2/8.

Tại vòng đàm phán thứ hai, ba bên đã trao đổi về các vấn đề miễn thuế cho các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và tự do hóa thương mại dịch vụ.

Tại cuộc họp trù bị ở Seoul cuối tháng 10 vừa qua, ba nước đều nhất trí rằng các cuộc đàm phán FTA ba bên sẽ kết thúc trước cuối năm 2015, cùng thời điểm mà 16 nước tham gia các cuộc đàm phán về tự do thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đặt ra để ký kết một thỏa thuận.

Một hiệp định thương mại tự do giữa ba nước, nếu được ký kết, sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại khổng lồ chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và có thể đem lại lợi ích to lớn cho các cường quốc kinh tế châu Á này trong xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu hiện nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục