Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại châu Âu

Chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản được coi là một phần trong kế hoạch nhằm tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế để có thể tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến vào tháng Sáu tới.
Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại châu Âu ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến công du châu Âu kéo dài bốn ngày với một bản tuyên bố chung giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cùng các cam kết thúc đẩy hợp tác với lãnh đạo các nước Pháp, Italy và nhóm Visegrad gồm Slovakia, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary.

Với tư cách Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản lần này được coi là một phần trong kế hoạch nhằm tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế để có thể tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến vào tháng Sáu tới.

Hồi đầu năm nay, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố ông sẽ tận dụng cương vị Chủ tịch G20 để thúc đẩy những nỗ lực chung nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, cởi mở và tự do, giúp khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, trong bối cảnh những yếu tố gây bất ổn như chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cũng như tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đe dọa sẽ làm sụt giảm mạnh đà tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, chính Nhật Bản cũng đang đối mặt với những rủi ro khi vướng vào "cuộc chiến thuế" với Mỹ. Năm ngoái, Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép từ Nhật Bản, EU và một số nước. Washington cũng liên tục đe dọa tăng thuế nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đang gặp khó khăn do quan điểm của hai bên về một số vấn đề còn nhiều khác biệt. Bởi vậy mà tìm tiếng nói chung với EU nhằm đối phó với Mỹ trên mặt trận thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng mà ông Abe hướng tới trong chuyến công du.

Ngoài ra, chuyến công du của nhà lãnh đạo Nhật Bản lần này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường lần lượt thăm một số nước châu Âu và EU.

Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe không muốn "chậm chân" hơn quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á trong việc mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại tại châu Âu.

Nhật Bản và Pháp là hai nước chuẩn bị đăng cai các hội nghị thượng đỉnh của hai nhóm có tầm ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế trên thế giới hiện nay là G20 và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7). Vì vậy, Thủ tướng Abe đã chọn Paris là điểm đến đầu tiên của chuyến công du. Cả Pháp và Nhật Bản, những nước có thể coi là đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu và châu Á, đều "dính đòn" thuế thương mại của Mỹ.

Tokyo và Paris cũng được cho là có chung lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bởi Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu có lợi ích chủ quyền trực tiếp và có vai trò quan trọng trong khu vực này, bao gồm cả lĩnh vực an ninh. Đây là một trong những cơ sở để hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác và phối hợp hành động trên nhiều lĩnh vực.

Trong cuộc gặp kéo dài gần 50 phút tại Paris, ông Abe đã đề nghị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phối hợp các chủ đề sẽ được thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng Sáu và G7 ở Pháp vào tháng Tám. Tokyo hy vọng các ngôn từ sử dụng trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 sẽ được phản ánh tại các cuộc thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra hai tháng sau đó.

Một trong những lý do dẫn tới đề xuất trên chính là bất đồng của hai nước này với Mỹ trong các vấn đề liên quan thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và biến đổi khí hậu. Việc lãnh đạo Nhật Bản và Pháp lần này nhất trí thắt chặt hợp tác song phương, đặc biệt thúc đẩy thương mại tự do, đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng hai nước sẽ hợp tác và cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

[EU - Nhật Bản thúc đẩy cải cách WTO và đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ]

Với "bước chạy đà" khá thuận lợi ở Pháp, Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản tại Brussel đã kết thúc với việc hai nền kinh tế hàng đầu "tái khẳng định cam kết giữ cho thị trường mở và tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, với WTO là cốt lõi," và tiếp tục phối hợp để thúc đẩy cải cách tổ chức WTO.

Nhiệm vụ của Thủ tướng Abe trong các cuộc gặp ở Brussels là đảm bảo EU sẽ cùng đồng lòng với Nhật Bản theo đuổi mục tiêu thương mại tự do và công bằng dựa trên các quy tắc, và rõ ràng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.

Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) giữa EU và Nhật Bản, có hiệu lực từ ngày 1/2 vừa qua, đã tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 30% GDP toàn cầu và 40% thương mại thế giới. EPA này được coi là “hình mẫu của trật tự kinh tế mới trong thế kỷ 21 dựa trên các quy tắc thương mại tự do và bình đẳng."

Có thể coi thỏa thuận này là nền tảng để hai bên đạt được sự nhất trí về thương mại trong chuyến công du của ông Abe tới châu Âu, và đây sẽ là "hành trang nặng ký" cho ông trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 27/4 (giờ Việt Nam).

Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại châu Âu ảnh 2Thủ tướng Nhật Bản Abe và người đồng cấp Italy Giuseppe Conte. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Abe cũng tới châu Âu với đề xuất xây dựng khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”. Sáng kiến của Tokyo nhấn mạnh mục tiêu giúp các quốc gia khác xây dựng cơ sở hạ tầng “chất lượng cao”, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự bền vững về mặt tài chính. Đây sẽ là "bàn đạp" để Tokyo mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu thông qua lĩnh vực kinh tế-thương mại, nhằm cạnh tranh với "bước tiến" ngày càng nhanh của Trung Quốc vào thị trường lớn EU, khi Italy và nhóm nước Visegrad đều tham gia sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc.

Tại chặng dừng chân ở Italy, nước G7 đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và con đường," Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã bày tỏ ủng hộ đề xuất nêu trên của Nhật Bản. Đây cũng là một thành công ban đầu của Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đề xuất này, chắc chắn Tokyo sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều.

Bên cạnh đó, các nước Trung và Đông Âu đang rất “khát vốn” và coi nguồn vốn của Trung Quốc là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ cho việc vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Bởi vậy mà tham vọng của ông Abe cạnh tranh với Trung Quốc trong hoạt động kinh tế-thương mại tại khu vực châu Âu sẽ rất khó khăn.

Có thể nói chuyến công du của Thủ tướng Abe tới châu Âu đã đạt được những kết quả nhất định khi ông thể hiện được vai trò của Nhật Bản với vị thế một cường quốc đủ khả năng tập hợp, kết nối những tiếng nói chung để cùng giải quyết những thách thức. Điều đó rõ ràng sẽ củng cố uy tín quốc tế của Nhật Bản khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch G-20 năm nay. Đây cũng là yếu tố "ghi điểm" cho Thủ tướng Abe trước cuộc bầu cử thượng viện giữa kỳ ở Nhật Bản diễn ra vào tháng Sáu tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thành quả bước đầu và việc thực hiện những cam kết sẽ không dễ dàng.

Trên thực tế, trong chuyến công du này, về mặt chính thức, EU và Nhật Bản đã đạt được các điểm đồng thuận, song còn rất nhiều chi tiết cụ thể thì vẫn bất đồng. Đơn cử như vấn đề cải cách WTO, hai bên không nhất trí được vấn đề bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, hai bên cũng không có cùng quan điểm. Nguyên nhân được cho là Nhật Bản có mối quan hệ rất"nhạy cảm" với đồng minh Mỹ, đồng thời trong quan hệ với Trung Quốc, Tokyo cũng đang tìm cách cải thiện, bởi vậy, có lẽ ông Abe sẽ chọn cách tiếp cận thận trọng và dè dặt để có thể duy trì được sự cân bằng tương đối trong quan hệ với cả Brussels, Washington và Bắc Kinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục