Nhiên liệu sinh học góp phần biến đổi khí hậu

Nhiên liệu sinh học góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu Trái Đất. Đó là lời cảnh báo của nhà nghiên cứu khoa học Finn Danielsen thuộc Cơ quan Phát triển và Sinh thái học Bắc Âu.

Nhiên liệu sinh học góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu Trái Đất. Đó là lời cảnh báo của nhà nghiên cứu khoa học Finn Danielsen thuộc Cơ quan Phát triển và Sinh thái học Bắc Âu.

Finn Danielsen là người đứng đầu một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí "Bảo tồn sinh vật học" ngày 14/4.

Lâu nay, giới khoa học và các nhà quản lý vẫn khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học để giảm bớt lượng khí CO2 độc hại thải vào bầu khí quyển.

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm Danielsen cho thấy, nếu sử dụng nguồn nhiên liệu trên cũng phải mất hơn 3/4 thế kỷ mới "tiết kiệm" được một lượng khí thải CO2 tương đương với lượng CO2 thoát ra do tình trạng phá rừng để trồng các loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu này.


Hiện nay, cây cọ dầu đang được sử dụng ngày càng nhiều như nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu sinh học và đã thay thế cây đỗ tương để trở thành cây hạt có dầu được trồng nhiều nhất trên thế giới.

Trong 4 thập niên qua, sản lượng dầu cọ toàn thế giới đã tăng nhanh. Năm 2006, có tới 85% lượng dầu cọ của toàn thế giới được sản xuất tại Indonesia và Malaysia, song hai nước này cũng phải "hy sinh" khoảng 20.000 km vuông diện tích rừng nhiệt đới trong năm đó.

Việc biến rừng thành đất trồng cây cọ dầu còn dẫn đến hậu quả là sự đa dạng của các loài động và thực vật giảm một cách đáng kể. Những loại cây nhiệt đới khác thích hợp cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học như cây đỗ tương, cây mía đường cũng gây những tác động tương tự đến khí hậu và sự đa dạng sinh học.

Do vậy, ông Danielsen khẳng định nhiên liệu sinh học chính là "kẻ thù giấu mặt" của rừng mưa nhiệt đới, động vật hoang dã và khí hậu Trái Đất.

Trên thực tế, nhiên liệu sinh học đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu vì nó góp phần thủ tiêu những cánh rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh - được coi là lá phổi hấp thu khí CO2 hiệu quả nhất trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu cho rằng giảm bớt tình trạng phá rừng có thể là một chiến lược giúp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu một cách hữu hiệu hơn so với việc biến rừng thành đất trồng cây sản xuất nhiên liệu sinh học. Đồng thời nó cũng có thể giúp các quốc gia thực hiện những cam kết quốc tế về giảm thiểu tổn thất đối với đa dạng sinh học.

Hiện trong những khu rừng nhiệt đới trên Trái Đất chỉ còn tồn tại hơn một nửa số loài động thực vật sống trên cạn. Những khu rừng này hấp thu khoảng 46% lượng khí CO2 thải vào khí quyển và 25% tổng lượng khí CO2 thải ra trên toàn cầu có thể bắt nguồn từ sự chặt phá rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục