Bất cập về nước sạch

Nhiều bất cập về việc cung cấp nước sạch tại Hà Nội

Trong khi công ty Nước sạch Hà Nội đang thiếu nguồn cung nước cho nội thành thì công ty Viwaco lại chưa khai thác hết công suất thiết kế.
Khoảng 30 năm trở lại đây, mấy ngày qua, Hà Nội lại mới phải hứng chịu trận nắng nóng kỷ lục kéo theo tình trạng “khát” nước sạch trầm trọng. Nhiều khu vực mất nước trong vài ngày khiến người dân đứng ngồi không yên. Tình trạng này liệu có kéo dài hay không? Các công ty nước sạch có giải pháp gì để khắc phục, đang là nỗi lo “ngay ngáy” của người dân Thủ đô.

Thiếu nguồn cung

Tại buổi làm việc với các công ty nước sạch mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ rõ sự bất cập trong việc cung ứng nước sạch cho người dân Thủ đô. Đó là hệ thống mạng truyền dẫn nước của Hà Nội phát triển 15% trong những năm qua, nhưng đầu tư về nguồn nước sạch còn rất chậm. Trong khi đó, lượng khách hàng sử dụng nước trên địa bàn vẫn không ngừng tăng lên.

Mặt khác, trong khi Công ty Nước sạch Hà Nội, đơn vị sản xuất nước chủ lực của thành phố đang thiếu nguồn cung thì Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nước sạch (Viwaco) chưa khai thác hết công suất thiết kế, vẫn có thể bổ sung thêm sản lượng nước sạch vào hệ thống nhưng lại bất cập về kết nối mạng.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối kết nối liên thông hệ thống nguồn, mạng; bổ sung thêm nguồn nước sông Đà cho người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mùa Hè năm nay, tổng công suất cấp nước trên toàn thành phố đạt 880.000m3/ngày đêm, trong đó công ty Nước sạch Hà Nội cấp 600.000m3/ngày đêm; công ty cổ phần cấp nước Sơn Tây 20.000m3/ngày đêm; công ty Nước sạch Hà Đông 40.000m3/ngày đêm và công ty cổ phần Nước sạch Viwaco 220.000m3/ngày đêm. Khu vực cấp nước của các công ty Nước sạch Hà Đông, Sơn Tây, Viwaco tương đối ổn định nhưng địa bàn của Công ty Nước sạch Hà Nội, chủ yếu khu vực nội đô vẫn chưa đủ nguồn cung.

Ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, hiện nay, công suất khai thác nước các giếng của công ty giảm từ 15% đến 20% so với công suất thiết kế. Điều này kết hợp với yếu tố nắng nóng kỷ lục kéo theo nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn tăng vọt trong những ngày vừa qua (tăng15% chỉ trong nửa năm nay) trong khi nguồn nước dự phòng chỉ tăng thêm có 3-5% đã dẫn đến tình trạng mất nước cục bộ tại một số khu vực cuối nguồn nước, cốt địa hình cao. Hiện khu vực nội đô thiếu khoảng trên 50.000m3 nước sạch/ngày đêm.

Chia sẻ nguồn nước

Do thiếu nguồn cung, Công ty Nước sạch Hà Nội buộc phải thực hiện cấp nước theo vùng, theo giờ và cấp nước luân phiên. Do đó, ngay cả những khu vực nội thành, việc cấp nước lâu nay ổn định cũng sẽ có lúc bị mất nước do phải chia sẻ cho các khu vực khác.

Ngoài ra, tình trạng mất nước cục bộ còn do mất điện liên tục. Chỉ riêng từ ngày 25/4-18/5, công ty đã mất điện 26 lần với gần 70 giờ, trong đó một số nhà máy nước Cáo Đỉnh, Nam Dư, Mai Dịch mất điện tới 4 lần khiến các nhà máy phải vận hành lại hệ thống dẫn đến việc cấp nước bị gián đoạn. Ngoài ra, ở một số khu vực địa hình cos cao, cuối nguồn nước cũng rơi vào tình trạng thiếu nước.

Hàng loạt khu vực như 45 hộ tại tổ 26, khu dân cư 7, phường Quảng An (quận Tây Hồ); 100 hộ các tổ: 43, 45, 46, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy); hàng trăm hộ tại toà nhà B10B, khu đô thị Nam Trung Yên; các hộ tổ 62, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); các hộ ngõ 354 đường Trường Chinh (quận Đống Đa); các hộ ngõ Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa); khu vực Võng Thị, Âu Cơ... đã bị mất nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Để khắc phục tình trạng mất nước, đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẩn trương giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân, bên cạnh việc làm việc với ngành điện tạm dừng, giãn, hoãn kế hoạch cắt điện sửa chữa, bảo dưỡng, giải quyết kịp thời sự cố về điện, công ty Nước sạch Hà Nội tăng nguồn cung bằng cách phát huy hết công suất của các nhà máy nước; tiếp nhận 40.000m3 nước sạch/ngày đêm của nhà máy nước mặt sông Đà - Viwaco.

Bên cạnh đó cần tăng cường nguồn nước từ nhà máy nước Gia Lâm, Bắc Thăng Long đưa về tăng cường cấp nước cho nội thành và mở thêm hai điểm tiếp nhận nguồn nước sông Đà tại khu vực hồ Hố Mẻ, quận Đống Đa từ ngày 20/5 với sản lượng khoảng 3000 m3/ngày đêm, điểm tại ngã tư Lê Văn Lương-Hồ Tùng Mậu khoảng 3.000m3 từ đêm 27/5 (tuy nhiên lưu lượng nước bổ sung về chưa đủ) và chuẩn bị mở thêm mở thêm điểm tại nút cầu Đá-Thịnh Liệt, bổ sung thêm 3.500 m3/ngày đêm ngay trong mùa Hè năm nay.

Công ty cũng thực hiện biện pháp vận hành mạng , phân khu , đảm bảo cấp nước cho các khu vực xa nguồn, cốt địa hình cao, không để mất nước kéo dài và trở lại ổn định; chủ động cấp nước cho các khu vực mất nước bằng xe stec.

Xóa trọng điểm “khát”

Hai trọng điểm “khát” của Hà Nội trong những ngày nắng nóng vừa qua là các tổ 43, 45, 46 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy và tổ 62 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

Bác Chiến, nhà 7C, tổ 45 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, hơn 2 tháng nay, cả ba tổ 43, 45, 46 phường Quan Hoa không có nước để sinh hoạt, phải dùng nước giếng khoan. Cách đây khoảng một tuần, Xí nghiệp Nước sạch cho “tăng áp” có nước trong đường ống nhưng cũng phải dùng máy bơm để hút chứ không tự chảy được. Những nhà cuối tổ, xa nguồn nước thì cũng chịu. Lãnh đạo, nhân viên xí nghiệp sâu sát sáng đến, tối đến nhưng nước vẫn khó khăn!

Trả lời câu hỏi bao giờ có nước của người dân, ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy thông báo một tin mừng, ngay trong đêm 24/5, Xí nghiệp Nước sạch Cầu Giấy đã khởi công cải tạo hệ thống đường ống cấp nước cho trọng điểm “khát” nước sạch này của phường Quan Hoa, giới hạn từ ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn đến phố Đông Quan, dự kiến hoàn thành sau 2 tháng, người dân ở đây sẽ có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, đồng thời với thay thế đường ống mới, xí nghiệp sẽ thực hiện đấu nối nguồn nước và nhiều hộ dân sẽ có nước sạch chỉ sau 5 ngày khởi công.

Hiện nay, việc cấp nước cho các tổ dân phố 20, 43, 45, 46 phường Quan Hoa được Công ty Nước sạch Hà Nội vận hành cấp nước luân phiên với khu vực cấp nước Tây Tựu và quận Ba Đình và cấp bằng xe stec cho những khu vực thiếu nước.

Tại khu vực quận quận Hoàn Kiếm hiện nguồn vẫn thiếu hụt khoảng 3.000-4.000 m3/ngày đêm tương đương với 3.000-4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở khu vực ngoài đê phường Chương Dương và Phúc Tân.

Xí nghiệp Nước sạch Hoàn Kiếm đã thực hiện cấp nước phân khu, luân phiên. Để giải quyết trọng điểm “khát” - Tổ dân phố 62 phường Chương Dương, công ty đã vận hành mạng đưa nước tăng cường từ nhà máy nước Gia Lâm sang cấp cho khu vực này từ 21 giờ đến 6 giờ sáng, hiện nay, tình hình cấp nước đã trở lại ổn định

Phát triển “nguồn” – Giải pháp lâu dài

Việc chia sẻ nguồn nước từ Viwaco cho công ty Nước sạch Hà Nội để cấp bổ sung cho khu vực nội thành đã khiến một số khách hàng của Viwaco bị mất nước. Sáng 28/5, Viwaco đã phải sử dụng xe stec để cấp nước cho hai khu vực bị mất nước thuộc địa bàn phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) và tổ 18 xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm).

Điều này cho thấy, tất cả các giải pháp đang áp dụng để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn Thủ đô đều chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp lâu dài là phải xây thêm các nhà máy nước để tăng nguồn nước cấp.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Nước sạch Hà Nội, việc đầu tư phát triển nguồn nước hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong quy hoạch được phê duyệt đã giao cho Công ty Nước sạch Hà Nội xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống nhưng sau 4 năm làm việc với các tổ chức tín dụng vẫn chưa thương thảo được nguồn vốn để thực hiện.

Công ty cũng đang đề xuất xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Tuy nhiên, nếu có đủ nguồn vốn thì cũng phải ba năm nữa mới thực hiện được.

Trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu nước, công ty đề nghị công ty Viwaco mở rộng nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2, khắc phục tồn tại kỹ thuật, khai thác hết công suất thiết kế là 300.000 m3/ngày đêm, bổ sung nước cho nội thành (hiện mới khai thác được 220.000 m3/ngày đêm) đồng thời công ty cũng khoan thêm giếng bổ sung, chống suy thoái các nhà máy nước, đảm bảo đạt tổng công suất 600.000 m3 nước sạch/ngày đêm và thực hiện các biện pháp chống thất thoát nước sạch, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tăng nguồn cung, cải thiện tình trạng “khát” nước sạch của người dân Thủ đô trong những mùa Hè nắng nóng./.

Tuyết Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục