Nhiều bệnh đã quay trở lại do mất vệ sinh ăn uống

Nhiều bệnh tưởng như đã khống chế được tại Việt Nam nhưng những năm gần đây đã quay trở lại như bệnh tả do mất vệ sinh trong ăn uống.
Ngày 20/9, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, ở Việt Nam đã xuất hiện bệnh nhân amip ăn não người, Hà Nội cũng đã có bệnh nhân tử vong do liên cầu lợn.

Nhiều bệnh tưởng như đã khống chế được nhưng những năm gần đây đã quay trở lại như bệnh tả do mất vệ sinh trong ăn uống.

Đối với Hà Nội, tính đến ngày 20/9, tình hình dịch bệnh đã được khống chế, chưa xảy ra dịch lớn trên địa bàn thành phố. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 458 ca sốt xuất huyết trong khi đó những năm trước đây mỗi năm có từ 3.000-4.000 ca, riêng bệnh tay chân miệng có 2.968 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm trước (cả năm 2011 có 1.500 trường hợp).

[Tiết canh động vật: Ổ virus cực độc gây chết người]

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm, bao vây dập dịch kịp thời, không để dịch bùng phát, đặc biệt chú ý bệnh cúm A H5N1, sốt xuất huyết... Khi có ca dịch nhanh chóng cách ly bệnh nhân, xử lý ổ dịch.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, đặc biệt đỉnh dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 10, tháng 11, các đơn vị y tế dự phòng chủ động làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai phòng chống dịch bệnh, chia sẻ thông tin, đặc biệt trong các trường học; phối hợp với các quận, huyện triển khai công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, tổ chức phun hóa chất, diệt bọ gậy.

Các trường học chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bếp ăn bán trú, vệ sinh trường lớp, các thày cô giáo chú ý nắm được biến động sức khỏe của học sinh, trao đổi thông tin, để kịp thời phát hiện bệnh nhân mắc bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng.

Cũng trong ngày 20/9, tại huyện Ba Vì, Sở Y tế đã triển khai kế họach tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tới mạng lưới y tế dự phòng của toàn thành phố, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, giảm tỷ lệ mắc và hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh dịch./.

Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục