Nhiều chương trình kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chương trình nghệ thuật “Ca ngợi Tổ quốc” tại TP.HCM và “Cha, con và Tổ quốc” tại Bình Định là các hoạt động kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều chương trình kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 1Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc”. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã công diễn chương trình nghệ thuật “Ca ngợi Tổ quốc.”

Chương trình quy tụ gần 100 nghệ sỹ và diễn viên múa chuyên nghiệp, giới thiệu hai tác phẩm đồ sộ về lĩnh vực nhạc giao hưởng và ballet mới được hoàn thành trong năm 2015 là bản giao hưởng bốn chương “Miền Đông thành đồng” của nhạc sỹ Vĩnh Lai và Tổ khúc múa “Tổ quốc,” biên đạo nghệ sỹ Hà Thế Dũng, Lương Xuân Thành, Tạ Thùy Chi.

Phần một gồm bốn chương nhạc, “Miền Đông thành Đồng” tái hiện bức tranh lịch sử về quá trình đấu tranh khốc liệt với tinh thần quật cường của dân tộc qua các thời kỳ chống quân xâm lược giải phóng đất nước. Đặc biệt, qua âm điệu đặc trưng của vùng miền Đông Nam Bộ,  sự anh dũng, quả cảm vượt qua gian khó đã được các nghệ sỹ khắc họa một cách sâu sắc và ấn tượng. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ còn thể hiện được tinh thần hào sảng, khí thế hiên ngang, đậm tình đồng bào, đồng chí, vững tin từng bước xây dựng cuộc sống mới với niềm tin tươi sáng về tương lai dân tộc, về Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.

Phần hai là Tổ khúc múa “Tổ quốc” gồm 4 phần, tái hiện bức tranh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ khúc múa đưa khán giả đến với nhiều hoạt cảnh sinh động, tinh tế, khắc họa rõ nét tinh thần bất khuất của nhân dân cả 3 miền trong quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Cùng ngày, tại Hội trường trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, chương trình nghệ thuật được tổ chức công diễn, khắc họa giai đoạn lịch sử quan trọng, mang nhiều dấu ấn trong cuộc đời của Bác cùng với thân phụ tại vùng đất Bình Định.

Người dân Bình Định tự hào vì là địa phương mà 2 cha con Bác Hồ đã gặp nhau, tạm biệt nhau trước khi Bác lên đường tìm đường cứu nước. Khắc họa giai đoạn quan trọng này trong cuộc đời của Bác, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo để công diễn, quảng bá cho người dân Bình Định và nhiều người biết đến.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người đã soạn, đạo diễn nhiều vở diễn thành công về Bác Hồ được chọn làm tác giả kịch bản, tổng đạo diễn của chương trình.

Chương trình chỉ gói gọn trong khoảng 2 giờ trên sân khấu, nhưng đã khắc họa khá sâu sắc, đậm nét và nhiều cảm xúc cho người dân về thời kỳ Bác Hồ sinh sống và học tập tại phủ Quy Nhơn cùng với thân phụ của Người, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Tri huyện Bình Khê. Sau nhiều tháng chuẩn bị, luyện tập, chương trình đã được công diễn thành công và đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với người dân Bình Định.

Trên một sân khấu mở, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã xây dựng cả những khung cảnh của Huyện đường Bình Khê, cảnh lầm than của dân nghèo, không gian sinh sống của Nguyễn Tất Thành tại nhà của nhà giáo Tây học Phạm Ngọc Thọ… Hàng trăm diễn viên từ Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định), Đoàn Tuồng nghệ thuật Quảng Trị, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Trung tâm võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để hoàn thành vở diễn.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh tâm sự: “Điều khó khăn để xây dựng chương trình chính là sự kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật vào kịch.” Tuy nhiên, chính điều này đã tạo được dấu ấn đậm nét cho người xem. Khán giả dễ dàng hiểu rõ những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Bác tại Bình Định, về một giai đoạn đã góp phần hun đúc tinh thần, cốt cách cho chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Các lớp, màng của vở diễn nối tiếp nhau với sự đan xen của nhiều loại hình nghệ thuật chính kịch, hài kịch, tuồng, điện ảnh, võ thuật… đã tạo ấn tượng khá đặc sắc.

Qua chương trình nghệ thuật này, nhiều người dân Bình Định càng hiểu thêm về Bác, càng có thêm điều để tự hào về Bác và về vùng đất quê hương Bình Định mà sử sách cho đến nay vẫn ít đề cập đến.

Vụ án Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc "đánh chết" điền chủ Tạ Đức Quang đã được quan Pháp ở đồn Đồng Phó báo lên Tòa khâm sứ. Tòa khâm sứ Pháp đã buộc triều đình Huế bãi chức, triệu hồi Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Sắc về kinh thành là một trong những nỗi đau mất nước khắc sâu trong tâm khảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó 19 tuổi.

Biết mình khó thoát nạn, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con rằng: “Con hãy hứa với cha một điều, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, con cũng không được quay về tìm cha. Nước mất thì hãy đi tìm nước, chớ có tìm cha!”

Thân phụ bị triệu hồi về kinh chịu phạt oan, Nguyễn Tất Thành ở lại phủ Quy Nhơn một thời gian rồi cùng gia đình nhà giáo Phạm Ngọc Thọ vào Phan Thiết và dạy học tại Trường Dục Thanh trước khi vào Sài Gòn, lên tàu viễn dương đi tìm đường cứu nước.

Những diễn biến dồn dập diễn ra trong vòng hơn một năm Nguyễn Tất Thành sinh sống tại Quy Nhơn, Bình Định đã góp phần tạo nên khí phách thiên tài của Bác mà cho đến nay vẫn ít người biết tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục