Nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt tại Mỹ, Chile

Trong khi các nước tham gia TPP, việc tìm hiểu thị trường Mỹ và Chile sẽ góp phần giúp DN hiểu rõ hơn cơ hội trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Ngày 13/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Cơ hội thị trường Mỹ và Chile.”

Phát biểu khai mạc, ông Võ Tá Lương, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Công Thương), cho biết trong bối cảnh các nước tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP (trong đó có Việt Nam, Mỹ và Chile đang đi đến kết thúc đàm phán), việc tìm hiểu thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam và thị trường Chile - cửa ngõ thị trường Mỹ Latinh khi Hiệp định FTA chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2014, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn những cơ hội và thách thức trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu đối với hai thị trường quan trọng bậc nhất khu vực châu Mỹ.

Ông Lương nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Mỹ, Việt Nam-Chile phát triển mạnh mẽ và vững chắc trên tất cả các lĩnh vực.

Riêng trong lĩnh vực thương mại, 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 17 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt kim ngạch gần 177 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh thị trường thế giới đang gặp nhiều khó khăn.

Kết thúc năm 2013, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ sẽ đạt gần 28 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012.

Với việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng vươn xa đến 35 nước châu Mỹ, góp phần tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu truyền thống như hiện nay.

Tiềm năng Chile

Giới thiệu về Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam-Chile, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết Hiệp định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, Chile cam kết xóa bỏ thuế suất 99,62% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (năm 2007) trong thời hạn không quá 10 năm. Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ 87,8% số dòng thuế (91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chile năm 2007) trong vòng 15 năm.

Theo ông Khiên, giảm thuế giúp cho hàng Việt Nam cạnh tranh tốt hơn, thu hút FDI vào Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu sang Chile, khuyến khích các doanh nghiệp hàng hiệu đặt sản xuất hàng ở Việt Nam xuất khẩu sang Chile; cơ cấu kinh tế và xuất nhập khẩu giữa hai nước chủ yếu là bổ sung, đồng thời là cửa ngõ vào châu Mỹ Latinh.

Cơ hội thị trường Mỹ

Ông Nguyễn Duy Khiên cho biết quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ năm 2012, tổng thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ khoảng 0,88% , trị giá hơn 20 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử, thủy sản. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt hơn 4,6 tỷ USD.

Theo ông Khiên, Mỹ nhập khẩu nhiều và tăng do dân số đông khoảng 310 triệu người, GDP/người khoảng 47.000 USD, người dân Mỹ có thói quen mua sắm, tiết kiệm cá nhân thấp, dịch vụ tài chính phát triển.

Về thuận lợi cho Việt Nam, ông Khiên cho rằng, quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ đang phát triển bình thường, xu hướng đa dạng nguồn cung. Cộng đồng người Việt tại đây khoảng 1,5 triệu người là thị trường tiêu thụ quan trọng. Bên cạnh đó, đàm phán TPP cũng đang đi vào giai đoạn kết thúc.

Về cơ hội TPP đối với Việt Nam, ông Khiên cho rằng, TPP sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu vào Mỹ như Trung Quốc, Canada… Hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ có nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật, luật lệ phức tạp, tiêu chuẩn lao động và môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam không có thương hiệu, gia công là chủ yếu và chi phí vận chuyển cao do thị trường Mỹ ở xa.

Bên cạnh đó, thách thức của TPP đối với Việt Nam về cạnh tranh với hàng nhập khẩu, một số sản phẩm của Mỹ rất cạnh tranh.

Về mở cửa thị trường đầu tư, Mỹ rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ, yêu cầu cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ và cạnh tranh sản xuất và xuất khẩu với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục