Nhiều công trình bị chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng

Nguyên nhân của các công trình chậm tiến độ được chỉ ra, chủ yếu do vướng mắt trong giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu hạn chế.
Chỉ còn khoảng 130 ngày nữa là đến ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Cùng với thời gian ngắn ngủi ấy, còn nhiều công trình chào mừng chưa hoàn thành, có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ hoặc chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Đức Bền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng khẳng định: “Nguyên nhân được chỉ ra, chủ yếu do năng lực triển khai của chủ đầu tư còn hạn chế, và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.”

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Theo ông Bền, Hà Nội có 34 công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long hoàn thành trước đại lễ này, trong đó có 18 công trình sẽ hoàn thành trước ngày 10/10 theo tính toán tiến độ của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng.

Ủy ban Nhân dân Thành phố đã kiểm tra tiến độ các dự án và yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ các công trường để hoàn thành đúng thời gian trước đại lễ ngàn năm Thăng Long bao gồm: Công viên Hòa Bình, ba rạp Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam, giải phóng mặt bằng dải đất kẹp giữa Công viên Hòa Bình và đường Phạm Văn Đồng, các dự án thành phần, dự án chỉnh trang cảnh quan, dự án cải tạo sửa chữa các công trình thiết yếu - giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, có 8 công trình không thể hoàn thành trước đại lễ 1.000 năm Thăng Long gồm dự án đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (nay là đường Trần Thái Tông); dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu thành Cổ Loa; cải tạo thí điểm ô phố cổ Hà Nội; đường Văn Cao-Hồ Tây; đường Lê Trọng Tấn; đường Láng-Hòa Lạc; cải tạo nâng cấp quốc lộ 32; cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn.

Trong quỹ thời gian rất ngắn còn lại, nếu giải phóng mặt bằng vẫn ì ạch, không được tăng tốc tối đa, không loại trừ khả năng nhiều công trình hạ tầng lớn trong số này sẽ nối nhau vào danh sách 8 công trình chắc chắn trễ hẹn với đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Trên các tuyến phố, công tác chỉnh trang còn rất bề bộn. Ở nhiều tuyến phố, các hạng mục chính cơ bản hoàn thành, nhưng gạch đá vẫn chưa được dọn dẹp; một số hạng mục liên quan như hố ga, bó vỉa quanh gốc cây, lắp tủ cáp, tủ điện… cũng chưa được thực hiện.

Đánh giá về vấn đề này, ông Bền cho biết: “Việc chậm tiến độ của các công trình văn hóa cho thấy, thành phố chưa lường hết khó khăn.”

Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ thi công

Theo ông Bền, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng các công trình trọng điểm liên tục bị tắc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lớn nhất hiện nay là sự phối hợp thiếu đồng bộ, thậm chí “chênh” nhau giữa các quận, huyện và chủ đầu tư cũng như nhà thầu.

Ông Bền cho biết: “Sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các sở, ngành trong giải quyết chính sách đền bù khiến cho trong tổng số 34 công trình chào mừng Đại lễ, mới có 40% đất được giải phóng mặt bằng, còn tỉ lệ bố trí tái định cư chỉ đạt 17,3%. Trong 10 công trình giao thông nằm trong danh mục, cũng có tới 7 công trình chưa được giải phóng mặt bằng. Khối lượng thực hiện giải ngân cho các dự án mới chỉ đạt 40% kế hoạch.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ thi công, tập trung nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công khoa học, phối hợp và tạo điều kiện cho nhau hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ.

Ngoài ra, trách nhiệm của một số sở, ngành của Hà Nội khi chưa phối hợp, hướng dẫn chu đáo việc thực hiện các thủ tục, hoặc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết, như Sở Xây dựng, Thanh tra Thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong việc bố trí tái định cư, giải quyết khiếu nại của công dân…

Để tạo điều kiện cho các dự án công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội như rạp Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam, Trường Phổ thông trung học chuyên Hà Nội-Amsterdam, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình hoàn thành đúng tiến độ trước ngày Đại lễ, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn số 3618/UBND-XD về cơ chế đặc biệt hỗ trợ thi công các công trình này.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố Hà Nội hướng dẫn thủ tục liên quan, tạo điều kiện cấp phép cho các nhà thầu để được vận chuyển vật tư, phế thải ban ngày ngoài giờ cao điểm, trừ những trường hợp đặc biệt phải đảm bảo quy trình kỹ thuật thi công, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu trung tâm; được thi công 24/24 giờ.

Theo văn bản số 163/TB-UBND kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Nhân dân Thành phố tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện một số dự án công trình văn hóa-thể thao, khả năng điều hành của Ban quản lý dự án, các nhà thầu, tư vấn giám sát đều chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa làm đúng với tiến độ thành phố chỉ đạo.

Văn bản của Phó Chủ tịch Ban Nhân dân Thành phố yêu cầu, Sở Xây dựng, Ban quản lý Dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng Đô thị nhanh chóng hoàn tất các thủ tục thẩm định, trình duyệt liên quan để đẩy công tác thi công lên cao nhất, hoàn thành đồng bộ các dự án trước tháng 10/2010.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc vượt quá thẩm quyền; hoặc có các bộ phận, hay cá nhân nào gây khó khăn cản trở, yêu cầu các đơn vị báo cáo trực tiếp lãnh đạo Thành phố để xử lý kịp thời./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục