Nhiều dấu hiệu cho thấy “Mùa Xuân Arab” đang quay trở lại

Những diễn biến của “Mùa Xuân Arab” trước đây hoặc hiện nay đều có chung một mục đích là lật đổ chính quyền hiện thời, sau đó dựng lên chính quyền mới.
Ông Omar al-Bashir lúc là Tổng thống Sudan tại lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các mới ở thủ đô Khartoum ngày 14/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Omar al-Bashir lúc là Tổng thống Sudan tại lễ tuyên thệ nhậm chức của nội các mới ở thủ đô Khartoum ngày 14/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình châu Phi đang có những diễn biến phức tạp, nhất là việc hai nhà lãnh đạo của Algeria và Sudan liên tiếp phải từ chức do sức ép quá lớn của dân chúng, báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 21/4 đăng bài viết nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy “Mùa Xuân Arab” đang quay trở lại.

Theo nội dung bài báo, trung tuần tháng Tư vừa qua có tin cho rằng Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người từng lãnh đạo đất nước Sudan hơn 30 năm qua, đã bị lực lượng vũ trang nước này bắt giữ.

Đây được xem là một thắng lợi bước đầu của hàng nghìn người dân Sudan khi liên tục xuống đường biểu tình, đòi phế truất ông Omar al-Bashir và thành lập một chính quyền dân sự.

Trên phương diện khác liên quan, Abdelaziz Bouteflika, người từng nắm giữ cương vị Tổng thống Algeria suốt 20 năm qua, cũng đã phải tuyên bố từ chức hôm 2/4 vừa qua do sức ép quá lớn từ làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng.

Mặc dù sự ra đi của hai nhân vật, một người  được coi là không đủ sức khỏe lãnh đạo và một người từng bị Tòa án hình sự quốc tế truy tố với cáo buộc phạm tội diệt chủng, có thể sẽ mang lại những hy vọng mới cho dân chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là sự tính toán và "đạo diễn" chính trường của phía quân đội.

Ông Abdelkader Bensalah - người đang giữ vai trò Tổng thống lâm thời của Algeria - vốn là một đồng minh thân cận của ông Bouteflika, nhưng đồng thời cũng được Tướng Ahmed Gaid Salah, Tư lệnh Quân đội Algeria hậu thuẫn.

Thêm vào đó, ông Salah cũng có xuất thân giống hệt cựu Tổng thống Bouteflika, hai người đều là cựu quân nhân chống thực dân Pháp và thành viên của Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria những năm 50 của thế kỷ trước. Do vậy, việc ông Bouteflika ra đi để ông Bensalah lên nắm quyền điều hành lâm thời chỉ là “bình mới rượu cũ.”

Mặc dù Tướng Salah từng tuyên bố ủng hộ người biểu tình và cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử để lập ra chính quyền mới vào tháng Bảy tới, tuy nhiên, dường như việc người biểu tình kiên quyết đòi thay đổi toàn bộ "êkíp" lãnh đạo đã khiến ông dần mất hết sự kiên nhẫn.

Ngoài các phát ngôn có phần “vượt mặt” chính phủ, Tướng Salah đang có xu hướng từng bước hợp lý hóa chính quyền quân sự của mình. 

Tương tự, lực lượng quân đội Sudan cũng từng đứng ra bảo vệ người biểu tình trong cuộc xung đột với cảnh sát, đồng thời cam kết sẽ chuyển giao chính quyền về tay nhân dân.

[Sửa đổi Hiến pháp: 'Mùa Xuân Arập trái mùa" ở Ai Cập?]

Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu phải để quân đội nắm quyền điều hành đất nước trong khoảng thời gian 2 năm. Thêm vào đó, cục diện của Sudan dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir chỉ là “trò chơi cân bằng” giữa quân đội và các phe phái khác. Hiện nay, sự cân bằng kể trên đã không còn nữa, do đó nguy cơ xảy ra rối loạn đang bị đẩy lên rất cao.

Bài báo nhấn mạnh phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011 đã cho thấy, ngoại trừ Tunisia đến nay tương đối ổn định với chính quyền dân chủ nhân dân, còn lại tất cả các nước khác như Libya, Yemen và Syria đểu rơi vào tình trạng hỗn loạn với sự xung đột liên miên giữa các phe phái.

Tướng Khalifa Haftar, người từng chạy sang Mỹ lưu vong sau khi quay lưng với cố Tổng thống Lybia Muammar Gaddafi, hiện đã quay lại nắm quyền chỉ huy Lực lượng vũ trang Lybia.

Mới đây, ông đã tiến quân vào Tripoli để tấn công Chính phủ đoàn kết dân tộc Lybia (GNA), một tổ chức đang được xã hội quốc tế công nhận. Cuộc xung đột giữa hai bên cho đến nay đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và tình hình thủ đô Tripoli trở lên vô cùng hỗn loạn.

Tại Ai Cập cũng vậy, sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, nước này chỉ có được sự dân chủ trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi trước khi quay trở lại với chính quyền quân sự.

Tổng thống Ai Cập đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi, vốn đang có tham vọng sửa đổi hiến pháp để có thể kéo dài thời gian nắm quyền của mình đến năm 2030, tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo có thời gian tại vị lên tới hàng chục năm ở đất nước Arap này. Do đó, nếu các diễn biến hiện nay cũng giống như phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011, thực trạng của Lybia và Ai Cập sẽ chính là tương lai không xa của Algeria và Sudan.

Cũng giống như phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011, người biểu tình tại Algeria và Sudan hiện nay ngoài việc theo đuổi lý tưởng tự do và dân chủ, còn vì một nguyên nhân khác là vấn đề kinh tế.

Những người dưới 30 tuổi của Algeria đang chiếm khoảng 2/3 tổng dân số nước này, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại lên tới hơn 26%, do đó, họ hiện đang là lực lượng chủ lực trong đội ngũ biểu tình.

Ngoài ra, việc dân chúng xuống đường phản đối tình trạng thiếu hụt lương thực và giá cả sinh hoạt tăng cao hồi tháng 12/2018 cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hoạt động biểu tình hiện nay.

Bài báo kết luận, những diễn biến của “Mùa Xuân Arab” trước đây hoặc hiện nay đều có chung một mục đích là lật đổ chính quyền hiện thời, sau đó dựng lên chính quyền mới. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải sự tất yếu của lịch sử, nhiều khi cái cũ đã bị phá bỏ, nhưng vẫn không thể dựng lên được cái mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục