Nhiều đề xuất mới thực hiện đại đoàn kết dân tộc

Nhiều đại biểu cho rằng để thực hiện tốt đại đoàn kết dân tộc, trước hết là làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo.
Ngày 10/11, tại buổi tọa đàm “Bác Hồ với sự nghiệp xây dựng đại đoàn kết các dân tộc”, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất mới về thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Buổi tọa đàm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11).

Nhiều đại biểu cho rằng để thực hiện tốt đại đoàn kết dân tộc, trước hết là làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào các dân tộc, kiên trì chính sách đại đoàn kết dân tộc thực chất và không hình thức, tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, lắng nghe dân và tôn trọng những ý kiến khác biệt để cùng đối thoại và tiến bộ…

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tân khi nhắc đến “yêu nước và cố kết dân tộc là ý tưởng cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc “vừa rộng rãi, vừa vững chắc”, lôi cuốn được tầng lớp nhân dân lao động, coi trọng vận động cá biệt đối với nhân sĩ trí thức, phát huy vai trò hiệu triệu quần chúng của những nhân vật tiêu biểu, gắn với mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng.

Ông nhắc lại một trong những lời dạy của Bác Hồ khi góp ý cho phương châm, phương pháp thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng là “lấy lòng chân thành mà cảm hóa, lôi cuốn”.

Trong 20 năm đổi mới, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đại đoàn kết dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nét mới, Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố Nguyễn Văn Anh nhận xét.

Theo ông, vai trò của trí thức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiểu thương… đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Mặt trận nên có những khảo sát cụ thể về nông dân, trí thức, tiểu thương để đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách, vì “thực hiện đại đoàn kết của Bác xuất phát từ bản chất nhân ái bao la song cũng có những nguyên tắc cụ thể, vận dụng cho từng đối tác cụ thể”.

Đại đức Thích Lệ Minh, Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo, cho rằng “đoàn kết lương-giáo là đoàn kết lâu dài, toàn diện, tạo sức mạnh cho cách mạng Việt Nam trong bất cứ giai đoạn nào”.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Thượng Minh Thanh (Đại diện Hội Thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh) khi chia sẻ nhiều điều tâm đắc học tập được từ tư tưởng của Bác Hồ về đại đoàn kết đã nhấn mạnh “Việc người tu hành chấp hành nghiêm túc những quy định về tín ngưỡng tôn giáo là một dạng thức thể hiện tinh thần lương-giáo đoàn kết, thể hiện đặc thù tôn giáo-dân tộc vươn lên cùng đất nước”.

"Đoàn kết dân tộc chính là nguồn sống mãnh liệt của nhân dân ta qua mấy nghìn năm lịch sử, là bài học mà Bác Hồ suốt đời dạy ta và là bí quyết thắng lợi của chúng ta trong mọi thời kỳ”, Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, đại biểu người Chăm dự tọa đàm khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục