Nhiều điểm mới xuất hiện trong công tác bầu cử

Lần đầu tiên cử tri cả nước đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong một ngày nên công tác tổ chức có nhiều điểm mới.
Ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, một trong những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước trong năm 2011.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên, người dân được bầu 4 cấp, gồm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn trong cùng một ngày."

Có 9 tổ chức phụ trách bầu cử

Ông Hùng cho biết, một điểm mới tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là có tới 9 tổ chức phụ trách bầu cử với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng.

Cụ thể, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII có 4 tổ chức điều chỉnh là Hội đồng bầu cử Trung ương; Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

Đối với việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, có 5 tổ chức điều chỉnh, bao gồm Hội đồng bầu cử Trung ương, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn và Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

Đối với 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16/1/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo điều 27, Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14/2/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 của cấp đó, không thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Việc thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân được thực hiện theo các quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12... [trích điều 28, Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 - PV].

Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn đặt ở các khu vực bỏ phiếu là cấp cuối cùng ở cơ sở, chịu trách nhiệm triển khai tất cả những công viên liên quan đến bầu cử của cấp trên giao.

"Nếu chỉ tính sơ bộ mỗi xã có khoảng 10 tổ bầu cử, nhân lên với con số khoảng hơn 11.000 xã trong cả nước thì ta sẽ thấy tầm quan trọng và vị trí đặc biệt của đơn vị này. Vì vậy, nó có tiếng nói mang tính quyết định đến việc thành công hay không thành công của cuộc bầu cử," ông Hùng cho hay.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc cho địa phương

Trong quá trình triển khai các công việc liên quan đến bầu cử, một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Dương, Tuyên Quang, Quảng Trị có hỏi Ban bầu cử và Tổ bầu cử có phải là 1 không?

Ông Phan Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ giải đáp: Hai tổ chức này không phải là 1. Trong trường hợp xã ở miền núi, hải đảo có ít cử tri, khoảng vài trăm người thì Ban bầu cử sẽ kiêm phần việc của Tổ bầu cử, tuy nhiên không được phép sáp nhập hai tổ chức này vào làm một.

Bởi lẽ, theo quy định, thành viên Ban bầu cử phụ trách việc bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, còn thành viên của Tổ bầu cử thì phải phụ trách việc bầu cử cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, đây cũng là một nét mới cần lưu tâm.

Về hình thức phiếu bầu 4 cấp, theo ông Phan Văn Hùng, sẽ sử dụng màu sắc khác nhau để tạo thuận lợi cho cử tri dễ phân biệt khi tiến hành lựa chọn những ứng viên đủ đức, đủ tài tham gia vào Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp.

Nhiều địa phương đang quan tâm và nêu câu hỏi có liên quan đến con dấu của tổ bầu cử, tổ chức phụ trách bầu cử. Theo nguyên tắc, khi thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, tương ứng với nó phải có một con dấu để hoạt động.

"Mỗi một tỉnh chỉ có một ủy ban bầu cử và có một con dấu. Nhưng xuống đến huyện thì lại có thêm các ban bầu cử. Xuống đến cấp xã thì số lượng ban bầu cử và tổ bầu cử sẽ phát sinh ra nhiều," ông Hùng nói.

Lấy ví dụ mỗi xã có khoảng hơn 10 khu vực bỏ phiếu, phải có từ 10 đơn vị bầu cử trở lên, kèm theo đó là số lượng tương ứng của các ban bầu cử. Như vậy, ở cấp tỉnh thì phải khắc rất nhiều con dấu.

Ngoài ra còn phát sinh ra việc mỗi một tổ bầu cử phải có thêm con dấu với nội dung "đã bỏ phiếu" đóng vào thẻ cử tri khi người dân đã thực hiện xong quyền bầu cử của mình. Như vậy, kinh phí sẽ phải đội lên rất lớn.

Ở tỉnh Thanh Hóa, ông Hùng nhẩm tính, sẽ phải phát sinh lên khoảng gần 4 tỷ đồng chỉ dùng cho việc khắc con dấu. Còn có những tỉnh khác thì chí ít cũng phải phát sinh khoảng 500 triệu đồng để chi cho việc này.

Trong khi đó, kinh phí của Trung ương cấp cho việc bầu cử ở mỗi địa phương cũng chỉ có hạn. Một số tỉnh khu vực Tây Bắc chỉ được cấp khoảng vài tỷ đồng.

"Tiền chi bầu cử lấy từ ngân sách. Chính vì vậy, các địa phương sẽ hiểu rằng, tất cả những khoản tiền chi dùng phục vụ bầu cử đều được nhà nước cấp. Nếu các địa phương tiến hành thống kê và lập dự toán tất cả các mục phải chi cho bầu cử rồi gửi về thanh toán thì số tiền phụ trội phải bỏ ra rất lớn. Kinh phí khó gánh nổi," ông Hùng băn khoăn.

Trên thực tế, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về con dấu. Nghị định số 58 của Chính phủ, ngày 24/8/2001 quy định mỗi một con dấu mới hình thành phải nộp 50.000 đồng để lưu chiểu. Như vậy, nếu phải khắc mới tất cả các con dấu để phục vụ cho việc bầu cử thì số tiền phải nộp lên đến hàng chục tỷ đồng.

Do vậy, Bộ Nội vụ đang đề xuất với Hội đồng bầu cử kiến nghị Chính phủ sửa đổi nội dung này theo hướng, không phải nộp tiền lưu chiểu khi làm mới những con dấu chỉ phục vụ riêng cho công tác bầu cử.

Để tiết kiệm cho ngân sách, một số địa phương nêu ý kiến liệu có được sử dụng lại một số mẫu dấu đã dùng ở các kỳ bầu cử trước, ví dụ như dấu "đã bỏ phiếu" hiện còn nhiều. Hội đồng bầu cử Trung ương đã cho phép sử dụng lại con dấu cũ "đã bỏ phiếu," nếu thiếu thì sẽ tiến hành khắc theo mẫu mới.

Đến ngày bỏ phiếu, mỗi tổ bầu cử sẽ có một hòm phiếu chính và một hòm phiếu phụ. Hòm phiếu chính đặt ở chỗ địa điểm bỏ phiếu. Hòm phiếu phụ được sử dụng để mang đến các gia đình có người tàn tật hoặc đang mang bệnh nặng để họ tự bỏ phiếu khi không thể đi đến các địa điểm bầu cử thực hiện quyền công dân của mình.

Ngày 22/5 tới, cử tri đồng thời tiến hành bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương có thể sử dụng lại hòm phiếu của nhiệm kỳ trước. Kích thước hòm phiếu thì do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Hòm phiếu có kích thước nhỏ hay to thì phải căn cứ vào số lượng cử tri đi bầu của địa phương đó, tránh tình trạng cử tri nhiều, hòm phiếu bé, không chứa hết số lượng phiếu bầu, không an toàn, từ đó dễ phát sinh tiêu cực.../.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục