Nhiều doanh nghiệp Iran mong muốn giao thương với Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Iran hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác mỏ đã bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và mong muốn cơ hội giao thương mới được mở ra giữa doanh nghiệp hai nước.
Nhiều doanh nghiệp Iran mong muốn giao thương với Việt Nam ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Iran. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Nhiều doanh nghiệp Iran hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác mỏ đã bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và mong muốn cơ hội giao thương mới được mở ra giữa doanh nghiệp hai nước.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Iran mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp Iran trong lĩnh vực công nghiệp và khai mỏ.

Tại cuộc tiếp xúc, Trưởng đoàn doanh nghiệp Iran, Chủ tịch Công ty Orhan Aras Trading & Development, ông Mohsen Esmaeilzadeh đã trình bày về tiềm năng của thị trường Iran cũng như năng lực của các công ty trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác mỏ.

Về phần mình, ông Samad Hassanzadeh, Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Tabriz, đánh giá cuộc tiếp xúc đầu tiên với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn doanh nghiệp Việt Nam là một dấu hiệu tốt. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng phát triển các quan hệ thương mại giữa Iran và Việt Nam và xây dựng thành công các liên kết về kinh tế. Chúng tôi có thể tham gia các dự án xây dựng, thủy lợi và cầu đường. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ xuất khẩu thảm và sản phẩm da của tỉnh Tabriz sang Việt Nam.”

Giáo dục, dịch vụ y tế và dịch vụ liên quan đến cải thiện các hệ thống môi trường cũng là những tiềm năng hợp tác được đại diện tỉnh Tabriz nêu lên trong cuộc gặp gỡ.

Đại diện Công ty Dầu mỏ Pasargad, nhà sản xuất nhựa đường lớn nhất ở Trung Đông, ông Hossein Ghannadi khẳng định rằng với sản lượng hàng năm khoảng 3,5 triệu tấn nhựa đường, hãng này đủ khả năng xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam và sẽ mở văn phòng đại diện tại đây.

Ông Mohammad Reza Hajipour, Giám đốc Sở Công Thương và Mỏ của tỉnh Markazi, đánh giá cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước và phái đoàn Việt Nam với các doanh nghiệp Iran mang tính lịch sử. Ông cho biết thêm tỉnh Markazi được công nhận là địa phương đứng thứ tư của Iran về quy mô đầu tư với 3.000 cơ sở công nghiệp và 500 mỏ.

Ông Hajipour nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể xúc tiến quan hệ đối tác và hợp tác đạt kết quả tốt đẹp trong các lĩnh vực hóa dầu, nhôm và các hóa phẩm khác. Thành phố Mahallat là kho dự trữ đá vôi travertin của cả nước, nổi tiếng trên thế giới về kỹ thuật tạo màu và mài đá.”

Về phần mình, ông Mirabolfazl Hassani, Giám đốc Điều hành của nhiều tập đoàn công nghiệp và thương mại quốc tế, mong muốn xây dựng quan hệ thương mại tốt với Việt nam và hỗ trợ các công ty xây dựng của Việt Nam trong các dự án xây dựng cũng như cung ứng vật tư xây dựng.

Sau khi nghe phát biểu của đại diện các tập đoàn của Iran, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ hài lòng về cuộc tiếp kiến thân mật và cởi mở này. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là lãnh đạo của cả hai quốc gia đều mong muốn xây dựng tốt quan hệ kinh tế, thương mại. Vấn đề là chúng ta còn thiếu thông tin trao đổi hữu hiệu."

Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn "các bạn thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh tại Hà Nội hay tại một địa phương khác ở Việt Nam và thắt chặt quan hệ với các ngành đầu tư, công nghiệp và thương mại của Việt Nam."

Chủ tịch nước khẳng định: "Tôi mong đợi các bạn xúc tiến đầu tư và chúng tôi mở cửa tiếp đón các bạn. Tuy nhiên, trước khi quyết định tiến hành hợp tác, các bạn nên cung cấp cho chúng tôi các thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến các khoản thuế, phí, tiền thuê, quy định về nhập khẩu để quan hệ giữa hai bên đạt thành quả.”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá buổi tiếp xúc đã tạo một cơ hội quan trọng để “hàng hóa và sản phẩm của Iran có thể bán sang Việt Nam; môi trường để xuất nhập khẩu cũng sẵn sàng, chỉ còn lại vấn đề cung cấp thông tin cụ thể cho nhau và tôi hy vọng sẽ được giải quyết thông qua thiết lập và thắt chặt quan hệ giữa các đơn vị kinh doanh của hai quốc gia. Chúng ta có thể đẩy mạnh khả năng hợp tác công nghiệp và thương mại giữa hai bên qua việc thiết lập hạ tầng ban đầu như việc mở đường bay trực tiếp.”

Kết thúc buổi gặp mặt, trưởng đoàn Iran Mohsen Esmaeilzadeh đã nhận trọng trách làm cầu nối cho Phòng Thương mại Iran-Việt Nam và sẽ thành lập chi nhánh đại diện tại Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường, cũng như giới thiệu các sản phẩm giữa Việt Nam và Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục