Nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2010

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. .


Sáng 27/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Các đại biểu nhất trí cho rằng trong năm 2009, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cùng với những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế Việt Nam đã dân phục hồi, đã thực hiện và đạt được các mục tiêu chính theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả các gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Công tác cải cách hành chính được chú trọng và có bước tiến mới; giáo dục đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm...

Đánh giá hiệu quả của chính sách kích cầu

Nhiều đại biểu đánh giá cao hiệu quả của các gói kích thích kinh tế, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi suy giảm kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Cùng với chính sách miễn, giảm, giãn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã giúp nhiều doanh nghiệp, các hộ sản xuất vượt qua khó khăn, giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành, qua đó nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần đánh giá sâu hơn về tác động xã hội của gói kích cầu thứ nhất bởi dường như mới tập trung vào kích cung chứ không hoàn toàn kích cầu.

Việc chỉ có 20% doanh nghiệp được thụ hưởng từ gói kích cầu là không bình đẳng, việc hỗ trợ lãi suất ở khu vực nông thôn không được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Các đại biểu đề nghị cần nêu rõ lý do gói kích cầu không tới được những doanh nghiệp, nông dân do thủ tục phức tạp, ngân hàng hạn chế tỷ lệ dư nợ.

Có đại biểu cho rằng cần tập trung hỗ trợ lãi suất vay trung và dài hạn, có chọn lọc đối tượng, chỉ nên ưu tiên cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có đông lao động, một số ngành hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, chế biến nông sản, thật sự cần hỗ trợ vốn vay.

Việt Nam đang chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp nên việc hỗ trợ lãi suất vay trung và dài hạn là thiết thực cho quá trình này. Ngoài ra, Chính phủ tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hộ nghèo, hộ chính sách, không chỉ trong năm tới mà dài hạn hơn, mức vốn cho vay lớn hơn, thời gian dài hơn, thủ tục và điều kiện thế chấp giản tiện hơn.

Các đại biểu cho rằng cần đánh giá hiệu quả của chính sách kích cầu, trên cơ sở đó cân nhắc có nên có gói kích cầu thứ hai hay không. Các bộ, ngành liên quan cần tham mưu cho Chính phủ để giải quyết dứt điểm các hạn chế trên, nâng cao hiệu quả và ý nghĩa của gói kích cầu.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục gói kích cầu thứ 2, tập trung vào đầu tư trung hạn, dài hạn gắn liền với tái cấu trúc nền kinh tế; trong đó chú ý chọn lọc các đối tượng được vay, mức hỗ trợ lãi suất phù hợp với thực tế, tiếp tục hỗ trợ cho vay ngắn hạn và có chọn lọc.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu lại kiến nghị không nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai.

Tái cấu trúc nền kinh tế tập trung vào những vấn đề lớn

Một trong những giải pháp lớn của Chính phủ đề ra nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 với mức cao hơn, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững trong nhưng năm tiếp theo là khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị nội địa của từng sản phẩm và của nền kinh tế.

Có đại biểu đề nghị tái cấu trúc nên tập trung vào những vấn đề lớn mà Nhà nước có thể tác động chứ không phải là tất cả các vấn đề, trong đó chú trọng tái cấu trúc doanh nghiệp.

Theo đó tái cấu trúc phải nhằm vào 3 nội dung chính, đó là phát triển cơ sở hạ tầng; khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; cải cách hành chính và thể chế kinh tế. 3 nội dung trên cần được xây dựng thành 3 chương trình mục tiêu quốc gia và thời gian thực hiện ít nhất là tới năm 2015.

Mỗi chương trình có mục tiêu, nội dụng cụ thể để có thể kiểm soát được. Mỗi nội dung có một Phó Thủ trướng Chính phủ phụ trách. Riêng nội dung cải cách hành chính và thể chế kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Hỗ trợ nhân dân vùng bão xây dựng nơi ở an toàn

Các đại biểu đề nghị nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo về phòng chống bão lụt, tránh tình trạng bị động như hiện nay, đồng thời đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ bà con vùng bão lụt trong xây dựng nơi ở an toàn, vì đây là việc rất cần thiết.

Trong thời gian qua, các cấp, ngành địa phương đã thực hiện tốt công tác di dời người dân vùng bão, lũ đến nơi an toàn rất khẩn trương, hiệu quả cao. Tuy nhiên việc di dời rất tốn kém và mới chỉ đảm bảo an toàn được người chứ chưa đảm bảo được tài sản của người dân.

Vì vậy, cần hỗ trợ bà con đang sinh sống tại vùng trũng, thấp xây dựng nơi ở an toàn, có kết cấu chịu được bão mạnh, để trú ngụ và cất giữ tài sản khi có bão lớn. Nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại của cộng đồng. Như vậy, bà con có thể yên tâm trước mỗi mùa mưa bão.

Các đại biểu cũng đề nghị nâng cao chất lượng công trình cơ sở hạ tầng nhất là tại các vùng, miền hay xảy ra bão lũ. Cần có quy định bắt buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xây dựng công trình phải có thiết kế chống chịu được bão lũ.

Nhiều đại biểu cho rằng đánh giá tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 11% trong năm 2009 là chưa phản ánh đúng thực tế, bởi mức chuẩn nghèo chưa được thay đổi trong khi mặt bằng giá chung đã lên rất cao trong mấy năm qua.

Tốc độ giảm nghèo giữa các vùng còn có sự chênh lệch lớn, đời sống người dân các dân tộc còn nhiều khó khăn… Chuẩn nghèo cần được đánh giá lại để có những đầu tư thích đáng hơn, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó cần bố trí kinh phí, tăng cường đầu tư cho vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, chú ý đến các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước.

Các đại biểu cũng đánh giá cao Nghị quyết 30a của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị để chương trình này phát huy hiệu quả cao nhất cần có những giải pháp cụ thể, có bước "đột phá" về cơ chế, thủ tục thanh quyết toán.

Các đại biểu đề nghị mức hỗ trợ hàng năm cho 62 huyện nghèo cần được nâng lên, không nên bình quân như hiện nay vì mỗi địa phương lại có đặc thù riêng. Các doanh nghiệp cần đầu tư đồng bộ hơn, sớm đưa huyện nghèo tiến kịp các huyện, thị trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục