Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản

Nhiều giải pháp đã được đưa ra như tiếp tục cho vay ưu đãi người tiêu dùng, doanh nghiệp để thị trường BĐS tiếp tục hồi phục.
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Diễn đàn “Bất động sản 2012: Cơ hội trong khủng hoảng” do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Xây dựng chủ trì, báo Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhận định, năm 2011, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một đợt suy thoái kéo dài khiến cho các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp không ít khó khăn. Thị trường gần như “đóng băng” hoàn toàn vì giá bất động sản giảm sâu và có dấu hiện chạm đáy. Nguồn vốn rời bỏ thị trường từng được đánh giá là có khả năng sinh lời cao nhất, nhiều phân khúc thị trường tụt dốc khá sâu, thậm chí đã xuất hiện một số đợt bán tháo…

Nhận định về thị trường giai đoạn hiện nay, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng VCCI chia sẻ: Các doanh nghiệp nhà đầu tư bất động sản đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Để tồn tại được đến ngày hôm nay đó là sự nỗ lực to lớn của doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, chúng ta cũng nên nhìn nhận đây nhhư là một cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh, kiện toàn lại bộ máy từng bước ổn định, phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho biết, trong quý I/2012 hơn 350 sàn giao dịch bất động sản đều vắng khách dù có rục rịch trở lại trong tháng 3/2012. Giá bất động sản ở các phân khúc (thương mại, nhà ở, nghỉ dưỡng...) đều tiếp tục giảm giá.

Để thị trường bất động sản tiếp tục khởi sắc, ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản, tập trung vào các doanh nghiệp có chỉ số tín nhiệm cao; có chính sách vay ưu đãi cho người tiêu dùng nhà ở thực sự; có các chính sách vay ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc thị trường vật liệu xây dựng để giảm chi phí đầu vào, góp phần hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục nới rộng các nhóm đối tượng bất động sản ra khỏi khu vực “không ưu tiên” bị khống chế 16% tổng dư nợ; sớm đưa vào thí điểm mô hình Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở; giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng từ 2011 như nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch bất động sản; ban hành quy định cho phép xây dựng nhà ở thương mại có diện tích nhỏ 30, 40, 50m2 (như đang có trên thế giới).

Ở khía cạnh nghiên cứu thị trường, ông John Gallander, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc. Chính sách này không chỉ tốt trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục