Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ

Trong ngày 27/7, nhiều hoạt động thiết thực, mang nhiều ý nghĩa tri ân các thương binh, anh hùng liệt sỹ đã diễn ra trên cả nước.
Ngày 27/7, đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh liệt sỹ, nhiều hoạt động thiết thực, mang nhiều ý nghĩa tri ân các thương binh, anh hùng liệt sỹ đã diễn ra trên cả nước.

Sáng 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và tặng quà 2 gia đình chính sách tại huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai (Hà Nội). Đây là 2 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố đã có nhiều công lao đóng góp trong thời kỳ kháng chiến và gương mẫu đi đầu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời bình.

Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên các gia đình, bệnh binh, đồng thời đề nghị các ban ngành, địa phương tăng cường chăm lo tới các gia đình chính sách, bệnh binh có công với cách mạng.

Tại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Công ty Lưới điện cao áp miền Bắc (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) đã tổ chức khánh thành việc trùng tu Đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh bảo vệ Nhà máy Nhiệt điện Việt Trì và dâng hương các anh hùng liệt sỹ nhằm tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại đây.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Việt Trì là nguồn phát quan trọng của lưới điện quốc gia. Nơi đây tập trung những cán bộ, công nhân ưu tú vừa hăng say lao động sản xuất, vừa kiên cường tham gia chiến đấu để phát và duy trì nguồn điện cho quốc gia. Vào thời kỳ đó, nhiều tấm gương sáng trong sản xuất và chiến đấu, bám máy bám lò đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này.

Cùng ngày, thành phố Hải Phòng đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ; biểu dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích ủng hộ Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" và phát động các đơn vị, cá nhân phát huy truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn" tiếp tục đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ.

Ngay trong ngày 27/7, toàn thành phố đã huy động được hơn 2,1 tỷ đồng, nâng tổng số tiền của Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” lên hơn 8 tỷ đồng. Nguồn quỹ này sẽ dành để ủng hộ các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách và có công với cách mạng.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” tri ân, tôn vinh các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ ngành tài chính, Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của cán bộ công nhân viên để nâng cấp xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, tại Đông Hà - Quảng Trị.

Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn mười nghìn liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một trong những chứng tích lịch sử về cuộc đấu tranh khốc liệt nhưng kiên cường của quân và dân ta trên Đường 9 anh hùng.

Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã được khởi công xây dựng nâng cấp vào ngày 26/7 và dự kiến hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/2012).

Ngay tại buổi lễ, cán bộ công chức của Bộ Tài Chính đã tổ chức quyên góp, ủng hộ trực tiếp hơn 200 triệu đồng để nâng cấp xây dựng Khu hành lễ.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi công xây dựng nghĩa trang liệt sỹ tỉnh trên cơ sở nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Quảng Nam được xây dựng trên diện tích khoảng 8ha (nghĩa trang xã Tam Phú hiện chỉ có khoảng 1,1ha). Công trình bao gồm nhiều hạng mục như tượng đài, sân hành lễ, nhà để chuông, trống... Công trình gắn với quần thể công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (cấp Quốc gia). Sau khi khởi công, chủ đầu tư tiến hành xây dựng một số hạng mục như tường rào, cổng ngõ... với tổng số tiền khoảng 11 tỷ đồng do Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ.

Trong khi đó, hơn 50 đoàn viên, thanh niên Công an và Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số máu đoàn viên, thanh niên tham gia hiến được là 28 đơn vị, dùng để giúp đỡ các thương, bệnh binh và các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh nặng cần máu điều trị.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị tuyên dương tập thể làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và khen thưởng những người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2011.

Các vị lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh tham dự. Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tặng Bằng khen cho 42 người có công với cách mạng đã đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển kinh tế năm 2011; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Giấy khen cho 8 tập thể thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa giai đoạn 2010-2011.

Lễ míttinh kỷ niệm lần thứ 64 ngày thương binh liệt sỹ đã được lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức ngày 27/7 tại Khu Di tích Dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nơi 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Trước đó cùng ngày, lãnh đạo thành phố đã đến viếng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố, Nghĩa trang thành phố, Đền tưởng niệm Bến Dược và Nghĩa trang huyện Củ Chi. Đây là dịp tôn vinh, tri ân đồng bào, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, cống hiến một phần xương máu của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngày 27/7, Đền thờ liệt sỹ - nơi an nghỉ của các liệt sĩ đã nằm lại mảnh đất này để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc đã được khánh thành tại xã đảo Long Sơn (thuộc thành phố  Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Việc xây dựng đền thờ nhằm tri ân sự hi sinh cao cả của các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương, đất nước; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng đã hoàn thành sau hơn 1 năm thi công.

Chính quyền xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vừa tổ chức lễ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Văn Còn. Đây là một liệt sỹ sau hơn 40 năm hy sinh mới được công nhận.

Theo ông Nguyễn Thành Thưởng, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bến Tre, từ năm 1980, gia đình liệt sỹ Còn làm hồ sơ xin công nhận liệt sỹ, nhưng có đến sáu lần hồ sơ được đề nghị bổ sung và bị thất lạc. Chính sự thiếu hụt ban đầu và cả trong các lần bổ sung hồ sơ cộng với sự thiếu trách nhiệm của một số người liên quan đã dẫn đến sự chậm trễ nêu trên.

Theo hồ sơ, ngày 24/2/1970, tổ công tác của liệt sỹ Nguyễn Văn Còn tham gia bảo vệ cán bộ tỉnh đi công tác, gặp địch càn quét phải xuống hầm trú ẩn. Nguyễn Văn Còn là người xuống hầm cuối cùng, nhưng do nắp hầm ngụy trang không kĩ nên bị giặc phát hiện, xả súng và hy sinh. Việc công nhận danh hiệu liệt sỹ cho anh Nguyễn Văn Còn là một việc làm dù chậm trễ, nhưng cần thiết đối với gia đình và các đồng đội của anh. Ông Thưởng cũng cho biết sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để gia đình liệt sỹ truy lĩnh và hưởng các chế độ chính sách.

Tại Tiền Giang, 169 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ giỗ các liệt sỹ theo nghi thức trang trọng tại các nhà bia, nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ. Dịp này, toàn tỉnh Tiền Giang đã trao tặng trên 40.000 suất quà của Chủ tịch nước cho thương binh, gia đình liệt sỹ với mức 400.000/suất. Tỉnh còn trích kinh phí địa phương 2 tỷ đồng để tặng trên 8.000 suất quà cho các gia đình chính sách còn lại. Trước đó, Tỉnh đoàn Tiền Giang phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức Lễ Thắp nến tri ân và viếng nghĩa trang liệt sỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục