Nhiều hoạt động nhân văn tại lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc”

Lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” không chỉ đem đến không gian văn hóa độc đáo mà còn giúp bà con trải nghiệm công nghệ, khám bệnh miễn phí.
Nhiều hoạt động nhân văn tại lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” ảnh 1Cụ Giàng Thị Sua được các bác sỹ đo huyết áp, khám bệnh. (Ảnh: H.A/Vietnam+)

Với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Sapa (Lào Cai), lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” do Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) phối hợp với Ủy ban Dân tộc và tỉnh Lào Cai tổ chức vừa qua là một lễ hội đặc biệt.

Lễ hội không chỉ là một không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà người dân còn được các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức khám bệnh, cấp phát thuốc và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ viễn thông hoàn toàn miễn phí...

Từ rất sớm, hơn 200 Già làng, Trưởng bản 6 tỉnh Tây Bắc và hơn 100 đồng bào dân tộc ở Lào Cai đã tập trung tại Hội trường Khách sạn Công Đoàn - thị trấn Sapa để được các bác sỹ khám bệnh.

Nghe thông tin về lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 1 năm Viettel ra mắt sản phẩm Bộ tính năng Tomato Buôn làng, cụ Giàng Thị Sua 80 tuổi - người dân tộc H’Mông ở xã Sử Pán (Sapa, Lào Cai) đã vượt 17km đến để được khám bệnh. Bị ho nhiều ngày và đau nhức toàn thân nhưng với gia cảnh khó khăn, cụ không có điều kiện để đi khám bệnh. Lần đầu được gặp bác sĩ tận trung ương về khám miễn phí, cụ Sua vui lắm, ríu rít kể bệnh bằng tiếng H’Mông cho cô “phiên dịch” là nhân viên Viettel.

Còn ông Triệu Đức Long, 61 tuổi người dân tộc Dao (Trưởng bản Khạ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) thì cho biết đây là lần đầu tiên được các bác sỹ tuyến Trung ương khám bệnh.

Mắc chứng đi tiểu khó khăn mấy năm nay, nhưng ông Long chưa có điều kiện để chạy chữa. May có đoàn bác sỹ khám bệnh miễn phí, lại được ban tổ chức đưa đón tận nhà, ông lập tức sắp xếp công việc để tham gia. Thông qua cô nhân viên Viettel người Dao, ông Long khoe đây là lần đầu tiên ông được siêu âm: “Bác sỹ khám kỹ lắm, ghi vào sổ rồi nhưng vẫn chưa biết có bệnh gì, phải siêu âm đã,” ông Long hồ hởi.

Nhiều hoạt động nhân văn tại lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” ảnh 2Người dân phấn khởi vì lần đầu tiên được các bác sĩ từ Hà Nội về khám bệnh. (Ảnh: H.A/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Khổng Tiến Bình cho biết, việc khó khăn nhất khi khám bệnh cho đồng bào dân tộc là làm thế nào giải thích và tư vấn để bà con nâng cao kiến thức y tế, điều trị kịp thời trong khi giữa đoàn bác sỹ và bà con bất đồng ngôn ngữ.

Cũng may, Viettel đã bố trí các nhân viên là người dân tộc thiểu số để phiên dịch cho bác sỹ. Bà con vì thế trao đổi cũng cởi mở hơn, bác sỹ chẩn đoán nhanh hơn.

Vẫn theo ông Bình, những đợt khám bệnh vùng sâu, vùng xa này là cơ hội để những người trẻ ở Viettel và Bệnh viện Việt Đức được trải nghiệm cuộc sống và tự răn mình sống có ích hơn: “Càng đi nhiều càng thấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn quá, cần sự chung tay của xã hội nói chung, ngành y tế nói riêng. Qua đó, đội ngũ bác sỹ trẻ như chúng tôi cũng tự nhìn nhận bản thân mình, tự chấn chỉnh hành vi của mình để làm sao nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công việc hơn,” bác sỹ Bình nói chia sẻ.

Gọi vui buổi khám bệnh này là “khám bệnh song ngữ,” bà Phạm Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, hiện đơn vị này có gần 120 nhân viên giải đáp là người dân tộc thiểu số trực 10 tổng đài tiếng dân tộc và con số này có thể sẽ tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Nhân dịp Viettel tổ chức Lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc,” đội ngũ nhân viên này được huy động một phần để tư vấn sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại các gian trải nghiệm và chịu trách nhiệm phiên dịch cho các bác sỹ trong hoạt động khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Sự có mặt của các nhân viên đặc biệt này giúp cho bà con và cả các bác sỹ thấy tự tin và thân thiện hơn.

Lãnh đạo của Viettel Telecom cũng tiết lộ, tổng đài tiếng dân tộc được hình thành phục vụ cho bộ tính năng Tomato Buôn làng dành riêng cho đồng bào vùng cao, hiện đang có gần 2 triệu thuê bao sử dụng. Tuy nhiên trong thời gian tới, đơn vị này sẽ mở rộng ra các lĩnh vực giải đáp thông tin kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc./.

Thông tin từ Viettel Telecom cũng cho biết, Lễ hội Buôn làng sẽ tiếp tục đến với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong 2 ngày 26 và 27/4/2014 tới với tên gọi “Âm vang đại ngàn”.

Ban tổ chức hứa hẹn sẽ dành tặng cho du khách và bà con các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên một không gian lễ hội cổ truyền đặc sắc, toàn bộ các hoạt động vui chơi, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, đạo cụ… sẽ được phục dựng nguyên bản như trong đời sống thực của người dân mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Nhân dịp này, người dân địa phương cũng được trải nghiệm miễn phí các sản phẩm, dịch vụ của Viettel (trong đó có Bộ tính năng Tomato Buôn làng); được hướng dẫn sử dụng các dịch vụ viễn thông vào mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia vào nhiều trò chơi đố vui với những phần thưởng có giá trị cao.

Ngoài ra, Viettel Telecom cũng phối hợp với các bệnh viện tổ chức chương trình khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các Già Làng, Trưởng Buôn và đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục