Nhiều hoạt động tưởng niệm Đại tướng trên cả nước

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động nhiều ý nghĩa để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tư lệnh và là người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sáng 11/10, Hội Cựu chiến binh Thanh Hóa đã lập bàn thờ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mở cửa từ 7 giờ 30 sáng 11/10 để các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thanh Hóa vào viếng và tưởng niệm Đại tướng.

Thay mặt Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Kiền, Chủ tịch Hội đã hứa trước anh linh Đại tướng: "Hơn 200.000 cựu chiến binh Thanh Hóa sẽ nguyện cùng cả nước biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ,' truyền thống cựu chiến binh Việt Nam; học tập tấm gương của Đại tướng, nguyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó."

Cũng trong sáng 11/10, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã khai mạc phòng triển lãm sách báo và khai trương phòng đọc chuyên đề: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Cuộc đời và sự nghiệp" nhằm giới thiệu, cung cấp tư liệu cho đông đảo bạn đọc, phục vụ công tác, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với 400 bản sách và 1 bộ phim tư liệu với 5 chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Cuộc đời và sự nghiệp; Lịch sử và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975; Thanh Hóa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với quân và dân Thanh Hóa... đã khắc họa một cách rõ nét nhất về cuộc đời, sự nghiệp và những chiến công lẫy lừng mà Đại tướng cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã giành được trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự 27 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Trung đoàn 762, Trường Quân sự, đảo Mê và đảo Nẹ để các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian viếng từ 7 giờ 30 ngày 12/10/2013 đến 20 giờ ngày 12/10/2013.

Hòa trong tình cảm thẳm sâu của đồng bào cả nước tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng, nơi mảnh đất cuối trời cực Nam Tổ quốc, người dân Kiên Giang những ngày qua dành cho vị tướng tài ba này lòng kính phục, thương tiếc khôn nguôi.

Tại trụ sở Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), trước bàn thờ Đại tướng, ông Đinh Quốc Khải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang xúc động nói: “Thật bàng hoàng khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Mất mát này quá lớn không sao diễn tả hết được. Chúng tôi lập bàn thờ Đại tướng để mọi người cùng thắp một nén nhang tiễn biệt người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam về với tổ tiên.” Từng đoàn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thành phố Rạch Giá kính cẩn, mặc niệm trước di ảnh của Đại tướng với nỗi bùi ngùi, tiếc thương vô hạn.

Trong nhiều câu chuyện kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các cựu chiến binh những ngày qua, ông Đinh Quốc Khải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kiên Giang tự hào về vị Đại tướng của nhân dân Việt Nam: Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng vang dội “chấn động địa cầu.”

Đúng 50 năm sau, chính người chỉ huy tài ba ấy đã trở lại thăm chiến trường xưa với tư thế đĩnh đạc, oai phong thì trên thế giới này hiếm có vị tướng nào độc đáo như thế. Thật tuyệt vời, tự hào trong lịch sử cách mạng Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam có một vị tướng kiệt xuất như thế.

Tại gia đình cựu chiến binh Trần Văn Dụy, 71 tuổi đời, 48 tuổi Đảng ở phường Vĩnh Thanh, hàng ngàn tin, bài và ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân… hàng chục năm qua được Ông lưu giữ hết sức cẩn thận như một báu vật trong cuộc đời bộ đội của mình.

Lật lại từng trang báo này, đôi mắt ông Dụy đỏ hoe, nói trong niềm xúc động: "Hơn 40 năm rèn luyện trong quân đội, tấm gương đạo đức mẫu mực của Bác Hồ và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi nguyện học tập làm theo suốt đời. Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, tôi bắt đầu sưu tầm, cất giữ những bài báo viết về Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến nay. Những tư liệu hết sức quý giá này tôi lưu giữ không chỉ cho bản thân mình với lòng cảm phục, kính trọng mà còn cho con cháu trong gia đình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp"./.

Hoa Mai, Lê Huy Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục