Nhiều hoạt động vui Xuân tại Bảo tàng Dân tộc học

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, trình diễn nghệ thuật, trò chơi, làm đồ chơi, ẩm thực...

Từ ngày mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng (tức ngày 4-9/2), chương trình Vui Xuân Giáp Ngọ 2014 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian được thể hiện qua các mảng hoạt động trình diễn nghệ thuật, trò chơi, làm đồ chơi, ẩm thực...

Ngày mồng 5 đến mồng 10 tháng Giêng, công chúng sẽ được thưởng thức những hương vị của vùng Mường như thịt trâu nấu lá lồm, phèo trâu, cá đày khày đồ, gà xào măng chua, chả rau đáu, rau rừng đồ thập cẩm...

Nhiều hoạt động khác diễn ra trong hai ngày mồng 9 và 10 Tết không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho công chúng, mà còn tích cực giới thiệu văn hóa dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, các vùng miền.

Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường cũng mang đến với những sắc thái Mường ở Hòa Bình như hát sắc bùa, tung còn, chơi quay, ẩm thực truyền thống. Người dân từ Hải Phòng sẽ trình diễn múa tứ linh, chơi pháo đất, múa rối nước, đốt pháo bong.

Đặc biệt, với sự hợp tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, những nét văn hóa dân gian đặc sắc của Hà Tĩnh sẽ được giới thiệu qua các điệu dân ca ví, dặm, xẩm thuốc bắc, hát sắc bùn, hát dân gian của người Chứt, ca trù Cổ Đạm, làm nón Ba Giang và dệt chiếu Nghèn, lẩy Kiều, thơ Kiều. Du khách sẽ được hưởng thức hương vị kẹo cu đơ, nước chè xanh, bánh gai, bún bò Đức Thọ, cháo lươn xứ Nghệ trong không gian vườn kiến trúc của Bảo tàng.

Mảng trò chơi dân gian hứa hẹn sẽ rất phong phú với các trò chơi của người Cống, Si La, Khơmú, Êđê, Bana, Giarai, người Việt… Xung quanh chủ đề 12 con giáp, các em nhỏ có thể nặn tò he, vẽ, tô tranh, tô vẽ các con giáp bằng đất.

Nhân dịp đầu Xuân mới, du khách có thể xin chữ của các thầy đồ, thử in tranh Đông Hồ, mặc y phục của nhiều dân tộc khác nhau./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục