Nhiều kẽ hở trong chống gian lận thuế xuất nhập khẩu

Tình trạng gian lận thuế xuất nhập khẩu phức tạp là do ý thức pháp luật của doanh nghiệp chưa cao cũng như các kẽ hở của chính sách.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong vài năm trở lại đây, tình trạng gian lận thuế xuất nhập khẩu ngày càng trở nên phức tạp. Ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp chưa cao, trong khi đó cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý hải quan còn nhiều kẽ hở, thiếu tính đồng bộ.

Doanh nghiệp thiếu ý thức tuân thủ pháp luật

Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian vừa qua, hình thức gian lận qua giá để trốn thuế ngày càng được nhiều doanh nghiệp sử dụng bằng cách: khai không đúng thuế suất, chủng loại, giá trị đối với hàng hóa nhập khẩu… Tính trung bình hàng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích phân loại. Trong đó, mẫu khai đúng chiếm khoảng 47%, sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%. Điểm đáng lưu ý, có những mặt hàng thay đổi thuế suất từ 0% lên tới 30% là mặt hàng ống lưu máu; mặt hàng isopropyl alcohol (một loại cồn có độ bay hơi cao) tăng từ 0% lên 40%, hoặc tăng tới 50% như mặt hàng card TV dùng cho máy tính.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, việc phân loại hàng hóa của các doanh nghiệp còn chênh so với Hải quan do nhiều nguyên nhân khác nhau như: doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường xuất nhập khẩu, hoặc cố tình áp sai mã để giảm thuế. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến hiện nay là do doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ về kiến thức trong việc phân tích phân loại hàng hóa. Bản thân các doanh nghiệp khi mua hàng cũng chưa quan tâm, không yêu cầu phía bán hàng cung cấp thông tin đầy đủ về mặt hàng của mình. Do đó, khi thiếu thông tin vô hình chung doanh nghiệp thực hiện phân loại sai mã hàng.

Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp kết cấu với đối tác nước ngoài làm giả hồ sơ, khai báo cao hơn thực tế một số mặt hàng có thuế nhập khẩu bằng 0% để giảm trị giá tính thuế các mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cao cũng được sử dụng để gian lận thuế. Nhiều trường hợp doanh nghiệp còn khai báo sai tổng trọng lượng linh kiện: xảy ra nhiều đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu. Thậm chí, cùng một loại linh kiện, tại các hồ sơ hải quan khác nhau, doanh nghiệp áp mã không đồng nhất.

Nhiều doanh nghiệp còn lợi dụng ưu đãi thuế dành cho việc nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu để nhập nhiều hàng rồi lại quay vòng xin chuyển tiêu thụ nội địa. Trường hợp như thế này gặp nhiều ở Đồng Nai và Bình Dương (nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất). Lý do được đưa ra là số nguyên phụ liệu nhập để sản xuất hàng xuất khẩu còn thừa. Thâm chí có những trường hợp doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nguyên phụ liệu gia công, sản xuất xuất khẩu để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng ban đêm hoặc ngày nghỉ vận chuyển nguyên phụ liệu, hàng hóa thành phẩm ra tiêu thụ nội địa. Một số đơn vị như Hải quan Bình Dương đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm với số tiền thuế truy thu lên tới cả trăm tỷ đồng, trong đó tập trung vào mặt hàng may mặc và da giày.

Nâng cao vai trò quản lý

Theo đánh giá của ngành Hải quan, công tác kiểm tra, tham vấn xác định trị giá thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Tình trạng xác định trị giá thấp hơn cơ sở dữ liệu, bỏ sót các khoản phải cộng khi xác định trị giá như: phí bản quyền, phí giấy phép, phí bảo hiểm… hoặc thực hiện khoản điều chỉnh chưa đúng quy định vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ bác bỏ giá khai báo sau tham vấn chỉ đạt khoảng 50% so với tổng số lô hàng tham vấn.

Một số ý kiến khác cho rằng, Hải quan còn đang buông lỏng việc xác định lại trị giá tính thuế, tỉ giá tại thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa. Do vậy, doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế. Đơn vị Hải quan nên căn cứ vào thời điểm doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng để xác định số thuế phải nộp: thuế suất, tỉ giá, tính tại thời điểm đó. Một lý do nữa được đơn vị hải quan địa phương nêu ra, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tuy đã được sửa đổi theo hướng tích cực, nhưng các mặt hàng có tên gọi hoặc phạm vi sử dụng tương tự nhau vẫn có mức thuế suất chênh lệch và chưa có tiêu chuẩn phân biệt dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Quy định về các trường hợp phân loại trước tại Thông tư số 49/2010/TT-BTC chưa đáp ứng nhu cầu được phân loại trước, do đó cần sửa đổi để mở rộng đối tượng phân loại trước, khắc phục tình trạng phân loại không thống nhất, giảm sai sót phải truy thu thuế, giúp doanh nghiệp chủ động tính toán hiệu quả kinh doanh.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của Hải quan còn nghèo nàn, đa số chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp khai báo, độ tin cậy còn thấp. Danh mục rủi ro về giá mang tính dàn trải, phạm vi quá rộng. Các mức giá kiểm tra xây dựng tại danh mục chủ yếu là mức giá khai báo, độ tin cậy chưa cao. Việc sử dụng nguồn thông tin do doanh nghiệp khai báo vô hình chung đã hợp thức hóa cho tình trạng gian lận thương mại.

Trong thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý. Theo đó, Hải quan sẽ trình sửa Luật Hải quan, Luật quản lý thuế theo hướng bổ sung quy định về phân loại hàng hóa, xác định trị giá, xác định xuất xứ trước khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời sửa đổi quy định về điều kiện phân loại trước, bảo đảm có thể phân loại trước các mặt hàng phức tạp, dễ lẫn nhằm khắc phục các vướng mắc trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, ngành cũng đang từng bước xây dựng quy chế phối hợp theo hướng phân định rõ trách nhiệm từng bộ phận, từng khâu nghiệp vụ, từng cá nhân, đồng thời chỉ rõ điều kiện, cách thức phối hợp trong quá trình phân loại hàng hóa./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục