Nhiều lo ngại về thành phố sông Hồng

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội của phía Tổ dự án sông Hồng tại Hà Nội (do phía Hàn Quốc đưa ra) còn nhiều bất cập.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Dự án quy họach cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội của phía Tổ dự án sông Hồng tại Hà Nội (do phía Hàn Quốc đưa ra) còn nhiều bất cập.
 
Ngày 16/12, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo về vấn đề này.
 
Cải tạo sông Hồng là tất yếu
 

Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, dự án này sẽ là cụm không gian cảnh quan, quan trọng của thành phố Hà Nội, theo đó, Hà Nội sẽ phát triển 2 bên bờ sông Hồng, thay vì quay lưng ra sông Hồng như hiện nay.
 
Về việc chọn thành phố Seoul của Hàn Quốc làm đối tác, ông Tuấn lý giải là do thành phố này đã cải tạo thành công dự án sông Hàn, và đây có thể xem là “kỳ tích sông Hàn” của người Hàn Quốc. “Sau vài chục năm, dự án sông Hàn cũng bộc lộ 1 số bất cập. Tuy nhiên đây sẽ là bài học kinh nghiệm khi quy hoạch sông Hồng,” ông Tuấn nói.
 
Nhiều nhà khoa học nhất trí với sự cần thiết của việc cải tạo sông Hồng, nhất là đoạn chạy qua Hà Nội. Giáo sư-Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá (Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng không chỉ có sông Hồng mà còn nhiều khu vực khác tại Thủ đô đang đòi hỏi phải có quy hoạch nghiêm túc. Tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng không có gì phải bàn cãi.
 
Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ-Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho biết cách đây hơn 15 năm, việc phát triển, khai thác sông Hồng qua đoạn Hà Nội đã được các cơ quan quan tâm và nghiên cứu. Trong Pháp lệnh Thủ đô, Nghị quyết 15/NQ-QW cũng đã chỉ ra rằng “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị và quy hoạch khai thác 2 bên bờ sông Hồng.”
 
Lấy dẫn chứng, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ cần đi thuyền trên dòng sông Hồng, nhìn vào dân cư 2 bên thì toàn thấy… phần “hậu” (nhà bếp, nhà vệ sinh, cống nước thải…), rất mất mỹ quan. Bởi vậy, việc quy hoạch lại là điều hết sức cần thiết để Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại.
 
Không được “chôn” Thủ đô
 

Tuy nhiên, trong bản quy hoạch mà phía Hàn Quốc đưa ra còn khá nhiều bất cập. Giáo sư Nguyễn Thế Bá đưa ra 9 vấn đề quan trọng như đánh giá môi trường đất đai sử dụng hai bên bờ sông, điều tra kinh tế xã hội, văn hóa, môi trường, quy hoạch cải tạo và phát triển các khu dân cư đô thị, công viên ven sông… Lấy ví dụ, Giáo sư Bá cho hay bản quy hoạch chưa làm nổi bật mối quan hệ cảnh quan ven sông Hồng với hai khu đô thị mới có đặc trưng tuyến trung tâm Tây Hồ và khu đô thị mới Bắc sông Hồng.
 
Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng cục Đê điều, thì lo ngại việc bản quy hoạch muốn điều chỉnh bãi giữa. Ông Niên cho rằng: “Bãi giữa từ xưa đến nay là trường tồn. Đây là nền tự động của thiên nhiên để điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng. Đây là điểm huyệt của sông Hồng chứ không phải là vết sẹo. Bởi vậy, đó là những điểm huyệt mà những người quy hoạch cần quan tâm.”
 
“Việc nạo vét lòng sông sẽ ảnh hưởng tới tình hình nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng bởi nạo vét dẫn đến mực nước xuống thấp,” ông Niên nói.
 
Ngoài ra, dự án có đề xất đến việc làm kè hai bên bờ sông, ông Niên cho rằng điều này là rất khó khăn. Nhiều tính toán cho thấy, lượng phù sa của sông Hồng lớn gấp 5 lần sông Mekong và thuộc loại lớn trên thế giới. Bởi vậy, khi kè xong thì việc giữ được nguyên trạng của đê kè là rất khó (Năm 1985 đã từng kè dưới chân cầu Chương Dương, giờ phù sa đã phủ hàng trăm mét).
 
Về vấn đề đắp đê mới mà đề án nêu ra, ông Niên phản biện: Đê cũ là vấn đề lịch sử và an toàn. Chúng ta không nên đắp đê mới mà chỉ nâng cấp bãi. Tuyệt đối không thể “chôn” Thủ đô trong 2 tuyến đê được.
 
Đồng tình, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Khoa học thủy lợi) cho rằng một bãi sông không nên có hai tuyến đê. Ngoài ra, giáo sư Tuấn Anh còn lo ngại việc đê đắp mới trên nền đất yếu sẽ không bảo đảm an toàn.
 
Bản quy hoạch không gian… siêu dở
 
Nhận xét về bản quy hoạch, Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục (Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư) cho rằng "Đây là dự án có quy hoạch không gian tồi nhất mà tôi được tiếp xúc (ý tưởng, chủ thuyết, văn hóa bản địa và tính chuyên nghiệp trong tổ chức không gian)".
 
Về vấn đề này, bà Thục cho hay, Hà Nội hiện đã mở rộng và dự án chưa bao quát được đoạn sông thượng và hạ lưu ảnh hưởng đến dự án và thành phố Hà Nội. Dự án cũng chưa được sự tham gia thực sự của giới chuyên môn Việt Nam (từ ý tưởng, phân vùng, di dời dân cư, các giải pháp quy họach kiến trúc, kỹ thuật, tâm linh, tài chính…).
 
Từ đó, bà đề ra một số câu hỏi: Dự án xây dựng 2 bên sông Hồng nhiều khu cao tầng nên ảnh hưởng không nhỏ đến không gian quy hoạch vùng. Như vậy, liệu dự án có ngược với quy hoạch vùng của Thủ đô đã được ban hành, và liệu các khu cao tầng trên có tuân thủ quy định chung về quy hoạch chiều cao của Hà Nội?
 
"Cần làm rõ tính liên kết không gian các khu vực cao tầng của toàn thành phố. Bản quy hoạch đưa ra khu đô thị trung tâm Tây Nam Hồ Tây toàn cao ốc. "Nếu Long Biên, Tứ Liên, Quảng Bá, Nghi Tàm mọc toàn cao ốc theo bố cục tuyến dải thì phải chăng chúng sẽ trở thành chủ thể không gian nhốt Hồ Tây, sông Hồng và cảnh quan trong các “song sắt” của “cũi” cao tầng", Phó giáo sư Thục bức xúc.
 
Bà đưa ra một bài học tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và đề xuất: Bờ sông phía Nam là các cư trú truyền thống dọc sông Hồng và Hồ Tây, thấp tầng xen cây xanh, vườn, mặt nước. Bờ bắc Phát triển các tuyến phố hiện đại dọc sông hồng và các cụm cao tầng theo bố cục nhóm, điểm (tránh dãy cao tầng chạy song song với sông Hồng).
 
Quan điểm "cây xanh hơn nhà cao ốc" được các nhà khoa học hết sức đồng tình. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Hồng Kế (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Việt Nam) cũng cho rằng, không nên xây nhà cao tầng ở hành lang sông Hồng mà phải biến nó thành một hành lang xanh.
 
Trao đổi với Vietnam+, Tiến sĩ Koo Yo Han – Trưởng đại diện Tổ dự án sông Hồng tại Hà Nội cho hay, những ý kiến của các nhà khoa học sẽ được nhóm thực hiện dự án nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. “Những khó khăn dự án quy hoạch sông Hồng được các nhà khoa học chỉ ra cũng là khó khăn từng gặp phải khi Hàn Quốc thực hiện dự án sông Hàn,” ông Koo Yo Han nói./.
 


Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục