Nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú tại hội chợ Làng nghề Việt Nam

Các đơn vị mang đến hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, đảm bảo nguồn gốc.
Nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú tại hội chợ Làng nghề Việt Nam ảnh 1 Các đại biểu thăm các gian hàng tại Hội chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tối 12/12, tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khai mạc hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 11 năm 2015.

Với quy mô trên 300 gian hàng, hội chợ nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là sự tham gia của các đơn vị làng nghề, phố nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ; các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình; các hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở làng nghề và các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ.

Các đơn vị mang đến hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Với các sản phẩm như lụa Vạn Phúc, lụa Nha Xá, dệt thổ cẩm, ngọc trai trạm khảm, gốm sứ, mây tre đan, tranh thêu, tranh hoa tươi ướp, tranh chữ thư pháp, trầm hương, đá phong thủy Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ phong thủy...

Các loại trái cây đặc sản ba miền như dừa xiêm Bến Tre, bưởi da xanh, cam Vinh, cam Cao Phong, chuối ngự Đại Hoàng; chả mực Quảng Ninh, lợn Mán, trâu gác bếp, giò me, nem Phùng… Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống sẽ được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, trưởng Ban tổ chức hội chợ, cho biết hội chợ được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tham quan giao dịch, mua sắm góp phần đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao. Hội chợ cũng giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và các mặt hàng nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và các nhà sản xuất kinh doanh nhằm góp phần nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Theo ông Đào Văn Hồ, hiện nay, cả nước có trên 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay là 1.748 làng, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam ngày càng tinh xảo, với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khuôn khổ hội chợ còn có các hoạt động diễn ra như “Lễ hội thử nếm và quảng bá sản phẩm càphê Việt Nam," diễn đàn “Làng nghề phát triển và hội nhập góp phần xây dựng nông thôn mới,” hội thảo “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang: Cơ hội, thách thức và giải pháp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục