Nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ tỷ giá tham chiếu bình quân của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4358 NDT/1 USD, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.
Nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Tân Hoa xã, ngày 11/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tức ngân hàng trung ương nước này, đã hạ tỷ giá tham chiếu bình quân của đồng Nhân dân tệ (nhân dân tệ) xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.

Theo quyết định trên, PBoC đặt tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4358 nhân dân tệ/1 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 5/8/2011 và thấp hơn 0,2% so với tỷ giá 6,4236 nhân dân tệ/1 USD được PBOC ấn định trước đó.

Hãng tin Reuters (Anh) cho rằng điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc ngân hàng trung ương có ý định phá giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh dòng vốn thoái mạnh và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. PBoC cho phép tỷ giá biến động với biên độ dao động tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo sẽ đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và đồng yen.

Theo chuyên gia phân tích Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics, chính tâm lý lo ngại đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá sau khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế đã khiến dòng vốn Trung Quốc “chảy” ồ ạt.

Ước tính dòng vốn ròng chảy khỏi Trung Quốc tính đến hết tháng 11/2015 đạt mức cao kỷ lục 113 tỷ USD.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng vừa công bố thêm loạt số liệu kinh tế kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, kim ngạch ngoại thương trong tháng 11 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2.160 tỷ nhân dân tệ (337 tỷ USD), đánh dấu tháng suy giảm thứ 9 liên tiếp. Xuất khẩu giảm 3,7% trong khi nhập khẩu giảm 5,6%.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn nhất như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản trong tháng 11 cũng giảm. Chỉ riêng với Mỹ, con số này tăng nhẹ gần 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục