Nhiều nhiệm vụ cấp bách đổi mới toàn diện giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động của toàn ngành đến năm 2016 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Chương trình hành động của toàn ngành giáo dục đến năm 2016 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành xác định mục tiêu chung, tập trung đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Chương trình nhằm mục tiêu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội.

Phát triển quy mô, cơ cấu giáo dục hợp lý, hài hòa, đảm bảo công bằng xã hội tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Mục tiêu cụ thể, sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển hài hòa về thể chất, tình cảm, trí tuệ… cho trẻ vào học lớp 1. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của nhân dân, phấn đấu đến năm 2015 có 70% học sinh tiểu học, 30% học sinh trung học cơ sở và 25% học sinh trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày; 90% số người trong độ tuổi được học trung học cơ sở, 70% số người trong độ tuổi được học trung học phổ thông, trong đó đặc biệt chú trọng nâng tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em gái; tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật.

Đối với hệ trung cấp chuyên nghiệp, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trung cấp chuyên nghiệp để đến năm 2015 thu hút được 15% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp và đảm bảo 95% học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp có việc làm được doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng yêu cầu công việc.

Về giáo dục đại học, phấn đấu đạt 300 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2015; tăng tỷ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là sinh viên dân tộc rất ít người và sinh viên nữ. Phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% vào năm 2015…

Để đạt được mục tiêu trên, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu toàn ngành giáo dục và đào tạo đặt ra và quyết tâm thực hiện, trong đó nhấn mạnh triển khai sâu rộng thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tập trung xây dựng để trình Quốc hội thông qua Luật giáo dục đại học; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020. Tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục. Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.” Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012…

Chương trình hành động còn đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể như đổi mới trong dạy và học, trang thiết bị, sách giáo khoa, công tác thanh tra, quản lý hành chính…/.

PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục