Nhiều nỗ lực đưa Nghị định 67 đi vào cuộc sống của ngư dân

Đóng tàu vỏ thép sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt thủy sản, đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được, an toàn hơn khi tham gia sản xuất trên biển.
Nhiều nỗ lực đưa Nghị định 67 đi vào cuộc sống của ngư dân ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoàng Giang/Vietnam+)

Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản vừa chính thức ban hành, đây được đánh giá là một chính sách hoàn thiện nhất từ trước đến nay để phát triển nghề cá và giải quyết những khó khăn cho ngư dân yên tâm bám biển. Hàng loạt các cơ chế ưu đãi về vốn tín dụng và cơ chế bảo hiểm cho ngư dân đã ra đời.

Những ý kiến phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện phần chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều ngày 24/7 tại tỉnh Quảng Ngãi đều hoan nghênh văn bản này.

Nghị định hợp lòng dân

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều nhấn mạnh, đây là những chính sách phù hợp với lòng dân, bởi đầu tư tàu vỏ thép sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt thủy sản, đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được, an toàn hơn khi tham gia sản xuất trên biển… Hơn nữa, các chính sách này còn động viên bà con ngư dân tham gia đánh bắt trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ biển gìn giữ ngư trường, biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cơ chế tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ của Chính phủ lần này đã có sự đồng bộ, đầy đủ với phạm vi và đối tượng rộng hơn. Cơ chế mới tạo quyền chủ động cho tổ chức tín dụng được lựa chọn người vay có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, khả năng quản lý tốt để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, sau khi Nghị định 67 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đi đầu trong khối các bộ ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn và tuyên truyền phố biến. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá. Chủ trương này đang được triển khai tích cực xuống nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành có thế mạnh về đánh bắt thủy hải sản như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng.

Trên cả nước hiện có khoảng 13.000 tàu gỗ đánh bắt xa bờ thì tỉnh Quảng Ngãi đã có tới 5.484 chiếc, trong đó có 2.710 chiếc với công suất trên 90 CV, có khẳ năng đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ (chiếm 50% tổng số tàu thuyền của tỉnh), còn lại là tàu có công suất nhỏ hơn 90 CV. Đây được cho là tỉnh có ngành đánh bắt, khai thác hải sản lâu đời và số lượng tàu cá lớn chuyên bám biển ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên theo ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các dịch vụ hậu cần nghề cá tại tỉnh còn rất yếu nên rất mong muốn được sớm triển khai thực hiện chủ trương này.

Ông Thọ cho biết, qua ghi nhận những ý kiến của ngư dân, Nghị định 67 là chính sách rất hợp lòng dân vì vậy bà con ngư dân Quảng Ngãi mong muốn sớm tiếp cận nguồn vốn này. Vì vậy, trong thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động thống kê sơ bộ nhu cầu vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, vay vốn lưu động để chủ động triển khai thực hiện Nghị định này.

Theo ngư dân Dương Minh Thạnh (huyện đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi), tàu vỏ thép được trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ, ra khơi bằng tàu này cảm giác tự tin hơn nhiều so với tàu gỗ.

Không chỉ có bà con ngư dân và chính quyền địa phương phấn khởi với Nghị định này mà ngay cả các ngân hàng thương mại khi biết chủ trương này cũng đã vào cuộc ngay từ khi Nghị định còn là Dự thảo.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tiên phong chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản để sẵn sàng triển khai ngay khi Nghị định của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực.

Ngân hàng này đã chủ động đề xuất chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng đầu tư phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ (bao gồm cả cho vay vốn lưu động) từ hồi tháng Sáu. Đến nay, tổng số giải ngân vốn lưu động của chương trình đã đạt được trên 66 tỷ đồng và dự kiến theo số đăng ký của các chi nhánh BIDV, đến hết năm 2014 ước đạt 1.500 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng đã phối hợp với 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi (là hai địa phương có đội tàu lớn nhất khai thác hải sản xa bờ tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa) tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến trực tiếp của bà con ngư dân, các nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan.

Nhiều nỗ lực đưa Nghị định 67 đi vào cuộc sống của ngư dân ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+).

Cần đưa ra những mẫu tàu phù hợp

Để đảm bảo dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng đối tượng, góp phần phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, ông Trần Bắc Hà, Chỉ tịch Hội đồng quản trị BIDV kiến nghị: Thông tư hướng dẫn nên ban hành trước khi Nghị định có hiệu lực (25/8) khoảng 2 tuần. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm xác định và giới thiệu các mẫu tàu để khách hàng vay vốn lựa chọn phù hợp theo từng mục đích đánh bắt và dải công suất, đặc biệt là tàu sắt và vật liệu mới.

Cũng theo ông Hà, Ủy ban Nhân dân các tỉnh nên có hỗ trợ quy hoạch lại các ngư trường đánh bắt; tổ đội đánh bắt xa bờ theo chuỗi khai thác khép kín nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hải sản đánh bắt được.

Tổ chức hội nghị trao đổi, hướng dẫn cho ngư dân, doanh nghiệp về chương trình này, qua đó thay đổi thói quen, tập quán đánh bắt từ riêng lẻ sang đánh bắt theo tổ, đội với tàu sắt công suất lớn hơn nhằm gia tăng hiệu quả đánh bắt. Ngoài ra, các tỉnh phải hỗ trợ quy hoạch lại ngư trường đánh bắt, xây dựng các tổ đội thành một chuỗi khép kín nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, thủy sản.

Người đứng đầu BIDV cũng đề xuất, các địa phương nên đầu tư đồng bộ các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão phù hợp với từng loại tàu, các cơ sở chữa, bảo dưỡng tàu tại từng địa phương, hệ thống cung cấp hậu cần, thông tin liên lạc cùng với việc phát triển đội tàu.

Còn ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nêu quan điểm, chủ trương đóng tàu cá vỏ thép cần tạo điều kiện cho bà con được góp ý, lựa chọn mẫu thiết kế cho phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt trên biển như: đầu tư tàu lưới vây, tàu câu mực, tàu câu cá ngừ đại dương, tàu đánh bắt bằng lưới cản… bởi mỗi loại đều có công năng riêng.

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, Thông tư hướng dẫn nên giải thích rõ từ khai thác hải sản xa bờ và đặt câu hỏi thế nào là xa bờ, nếu không giải thích thì rất khó hỗ trợ.

Một số đại biểu khác thì kiến nghị để Nghị định 67 phát huy tác dụng trong cuộc sống, thực sự trở thành “cú hích” cho ngành thủy sản, các cơ quan có chức năng cần tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc, có kế hoạch đào tạo cho ngư dân để họ thực sự làm chủ những con tàu vỏ thép hiện đại./.

Ngoài gói tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, BIDV cũng sẽ triển khai các gói tín dụng khác để hỗ trợ phát triển thuỷ sản theo Nghị định số 67 gồm:

Gói 2.000 tỷ đồng ngắn hạn cho vay đối với doanh nghiệp thi công đóng tàu nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đóng tàu đảm bảo tiến độ đóng mới tàu cho ngư dân/chủ tàu; 5.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao), cho vay ứng trước ngân sách đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn nhà nước bố trí; 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản; 500 tỷ đồng gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.

BIDV cũng đã trao tặng 02 tàu vỏ sắt cho tỉnh đoàn Bình Định, Quảng Ngãi mỗi tàu trị giá 5 tỷ đồng để góp phần thiết thực hỗ trợ lực lượng thanh niên xung kích ra khơi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục