Nhiều nước châu Âu không muốn leo thang căng thẳng với Nga

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, còn Ngoại trưởng Đức đã bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại với Nga.
Nhiều nước châu Âu không muốn leo thang căng thẳng với Nga ảnh 1Đại sứ quán Nga tại Berlin, Đức ngày 26/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây tuyên bố bày tỏ sự đoàn kết với Anh thông qua việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan cáo buộc của Chính phủ Anh về việc Mosvka đứng sau vụ đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này tại Anh cách đây gần 4 tuần, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ không muốn leo thang căng thẳng với Điện Kremlin.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis ngày 1/4 nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như tại Syria, tuy nhiên ông cũng cho rằng "một số hành động không thân thiện" của Moskva là "không thể chấp nhận."

Trong bài phỏng vấn với tờ El Mundo, Ngoại trưởng Dastis nêu rõ Nga là một đối tác chiến lược và cũng là mối quan ngại chiến lược, song cần thực tế để hiểu rõ việc cần có Nga trong giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu như ở Syria.

Ông Dastis cũng nhấn mạnh cần đối thoại với Nga để giải quyết các vấn đề này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ mong muốn nối lại đối thoại và dần khôi phục quan hệ với Nga, sau các vụ trục xuất ngoại giao liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này.

[Tây Ban Nha: Nga rất quan trọng trong giải quyết khủng hoảng toàn cầu]

Báo Bild am Sonntag (Hình ảnh Chủ nhật) dẫn lời ông Maas nhấn mạnh vai trò đối tác của Nga trong việc giải quyết các cuộc xung đột khu vực, đồng thời là một trụ cột quan trọng đối với hợp tác đa phương.

Ông nhấn mạnh Đức sẵn sàng đối thoại và mong muốn dần khôi phục quan hệ nếu như Nga sẵn sàng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Maas cũng bảo vệ quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga khi cho rằng đây là động thái thể hiện sự đoàn kết với Anh.

Cuối tháng trước, Điều phối viên về quan hệ với Nga của Chính phủ Đức Gernot Erler cũng khẳng định bất chấp việc Chính phủ Đức cùng các nước phương Tây đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Berlin vẫn muốn duy trì đối thoại với Moskva và tránh một cuộc chiến tranh lạnh khác xảy ra.

Ông Erler nhấn mạnh các kênh thông tin giữa Đức và Nga vẫn luôn mở rộng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Tổng thống nước này Emmanuel Macron sẽ vẫn tới thăm Nga và dự Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg vào tháng Năm tới.

Phát biểu trên đài phát thanh RTL, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nêu rõ "chuyến đi đã được thông báo và được lên kế hoạch," đồng thời nhận định rằng cần duy trì những cuộc trao đổi "thẳng thắn" với Moskva.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xác nhận thông tin trên, đồng thời đánh giá Paris đang có cách tiếp cận theo hướng xây dựng để phát triển quan hệ với Moskva bất chấp những bất đồng.

Trước đó, hôm 26/3, Pháp cũng tuyên bố trục xuất 4 nhà ngoại giao của Nga để bày tỏ tình đoàn kết với đối tác truyền thống Anh.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các lãnh đạo phương Tây đều đồng thuận với những biện pháp mà Anh đã thực hiện nhằm vào Nga. Tính đến nay, đã có hơn 150 nhà ngoại giao Nga tại 28 quốc gia đã bị trục xuất.

Đáp lại, Nga cũng đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva lấy làm tiếc về quyết định của các chính phủ phương Tây, song đồng thời khẳng định Nga sẽ có các biện pháp đáp trả đanh thép và tương xứng.

Theo Ngoại trưởng Nga Lavrov, để có thể "đối thoại bình thường" và tìm ra nguyên nhân hai bố con cựu điệp viên người Nga bị đầu độc tại Anh, Nga cũng đã chính thức yêu cầu triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng chấp hành Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vào ngày 4/4 tới.

Tại cuộc họp này, Nga sẽ nêu ra các vấn đề cụ thể mà Moskva đã nhiều lần đề cập. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng rằng các đối tác phương Tây sẽ không né tránh cuộc đối thoại cởi mở này.

Hiện một nhóm các chuyên gia thuộc OPCW đang có mặt ở Anh để thu thập các mẫu xét nghiệm mà London cho là chất độc thần kinh Novichok do Liên Xô trước đây sáng chế và được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia.

Chính quyền Nga cũng đã nhiều lần khẳng định không liên quan đến vụ đầu độc, đồng thời cho rằng đây là âm mưu của phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên.

Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Cảnh sát Anh cho rằng nhiều khả năng ông Skripal và con gái bị đầu độc ngay trước cửa nhà riêng của họ ở thành phố Salisbury, sau khi một lượng lớn chất độc thần kinh được phát hiện ở cửa trước ngôi nhà.

Hiện, lực lượng chức năng đang tập trung điều tra ở khu vực xung quanh để tìm thêm dấu vết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục