Nhiều tuyến quốc lộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị sạt lở

Đánh giá sơ bộ thiệt hại do mưa, bão gây để đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên tính tới thời điểm ngày chiều 26/10 vào khoảng 50 tỷ đồng.
Nhiều tuyến quốc lộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị sạt lở ảnh 1Điểm sạt lở đường tỉnh lộ ĐT 622B, xã Sơn Trà, huyện Trà Bồng, đã được dẹp gọn để thông tuyến. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 26/10, ông Trần Phát Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, các đơn vị trong ngành vừa có báo cáo cập nhật thiệt hại do mưa, bão gây ra trên các tuyến quốc lộ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tính đến chiều 26/10.

Theo đó, ông Trần Phát Đạt cho hay, thiệt hại do bão số 8 và đợt mưa từ ngày 22-25/10, các tuyến quốc lộ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị ngập nước cục bộ tại 55 vị trí. Sạt lở ta luy dương 513.000 m3, sạt lở ta luy âm 1.400 m, đứt đường 20m. Đặc biệt, mưa bão đã làm hư hỏng 100.000 m2 mặt đường, 40 cái cống 40.

Ngoài ra, mưa bão cũng làm hư hỏng rãnh dọc của các tuyến quốc lộ ước tính khoảng 4.500 m, hư hỏng hộ lan khoảng 3.000 m. Hệ thống biển báo, cọc tiêu, tiêu dẫn hướng bị gẫy hỏng tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên là 150 bộ.

Đánh giá sơ bộ thiệt hại do mưa, bão gây để đảm bảo đảm giao thông bước 1 (gồm các hoạt động sửa chữa, khôi phục hư hỏng sơ bộ để đảm bảo giao thông…) trên các tuyến quốc lộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên tính tới thời điểm ngày chiều 26/10 vào khoảng 50 tỷ đồng. 

Ông Trần Phát Đạt cho hay, ngay sau khi mưa bão đổ bộ vào vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đã thành lập ngay các đoàn công tác đi hiện trường khắc phục bảo đảm giao thông do mưa bão gây ra trên địa bàn các tỉnh có thiên tai xảy ra.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải địa phương và các Cục Quản lý Đường bộ III, IV chủ động triển khai phương án đảm bảo giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra,” ông Trần Phát Đạt chia sẻ.

[Bình Định: Sạt lở núi, đá rơi xuống đường, ba người bị thương]

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để chủ động đảm tổ chức giao thông và giảm thiệt hại tối đa ảnh hưởng của mưa, bão gây ra đối với hệ thống quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thực hiện ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập; tổ chức các đoàn công tác đến ngay các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp đề ra các giải pháp khắc phục để thông xe nhanh nhất.

“Ngoài ra  lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị của lực lượng tại chỗ của các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Cục Quản ý đường bộ III, Cục Quản lý Đường bộ IV, các Sở Giao thông Vận tải địa phương huy động thêm vật tư, thiết bị, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực trong và ngoài ngành để khắc phục,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ.

Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải, các Cục Quản lý Đường bộ III, IV và các đơn vị thực hiện bảo trì đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng vệ sinh mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục