Nhiều vi phạm tại các dự án cải tạo, xây trường học ở Hoàng Mai

Qua thanh tra của Sở Xây dựng cho thấy, cả 4 dự án cải tạo, xây dựng trường học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) có nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

Với tổng mức đầu tư hơn 218 tỷ đồng, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 dự án cải tạo, xây dựng trường học, góp phần cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục của quận. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, cả 4 dự án này đã có nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Đoàn Thanh tra (Sở Xây dựng Hà Nội) đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng thẩm quyền.

Theo kết luận của đoàn thanh tra, 4 dự án gồm Cải tạo Trường mầm non Yên Sở; cải tạo Trường mầm non Định Công (khu Hạ); cải tạo Trường tiểu học Đại Từ, phường Đại Kim và dự án xây dựng Trường trung học cơ sở Trần Phú đều có những vi phạm chung trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán.

Cụ thể, chủ đầu tư là Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đã phê duyệt dự án khi không có báo cáo thẩm định dự án; khi có báo cáo thẩm định dự án nhưng không thẩm định tổng mức đầu tư; nội dung quyết định phê duyệt không đầy đủ (không phê duyệt quy chuẩn, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho dự án và không có văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý ngành là Sở Giáo dục và Đào tạo).

Như vậy, chủ đầu tư vi phạm các quy định tại: Khoản 1 Điều 10; khoản 4 Điều 12, Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ; Khoản 1 Điều 6, Nghị định 112/2009/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 1, Nghị định 83/2009/NĐ-CP. Việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình cũng không đầy đủ nội dung, vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18, Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng chú ý, việc phê duyệt chỉ định thầu khi không có kế hoạch đấu thầu được duyệt; không có dự toán được duyệt; không có xác nhận của chủ đầu tư về năng lực nhà thầu; không có biên bản thương thảo hợp đồng, vi phạm quy định tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 40; khoản 2 Điều 41, Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ. Nội dung quyết định phê duyệt chỉ định thầu không đầy đủ theo quy định (không phê duyệt giá chỉ định thầu cho gói thầu, không phê duyệt hình thức hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng), vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 40, Luật Đấu thầu 2005 .

Cũng theo kết luận của bên thanh tra, dự án cải tạo Trường mầm non Yên Sở gồm xây dựng mới khối nhà học chính cao 4 tầng và nhà để xe, nhà bảo vệ, cổng, tường rào, sân, vườn; cải tạo mặt đứng khối nhà hiệu bộ 3 tầng và khối nhà lớp học 3 tầng hiện có cùng hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, san nền. Tuy nhiên, trong quá trình lập, thẩm tra dự toán của các đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án và Phòng Quản lý đô thị chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý chi phí xây dựng công trình, dẫn đến việc chủ đầu tư phải điều chỉnh khối lượng và dự toán công trình với số tiền chênh lệch hơn 2,2 tỷ đồng, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 8; khoản 1 Điều 10, Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ.

Đối với dự án cải tạo Trường mầm non Định Công, chủ đầu tư ký hợp đồng bảo hiểm công trình với Công ty Bảo hiểm b ưu điện Thăng Long và hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội khi không có hình thức hợp đồng; nội dung hợp đồng không đầy đủ, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 47, Luật Đấu thầu 2005. Tương tự, với tổng mức đầu tư hơn 63 tỷ đồng, tại dự án cải tạo Trường tiểu học Đại Từ, chủ đầu tư không thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng công trình cũ theo quy định, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3, Thông tư 03/2011/TT-BXD ngày 06/4/2011 của Bộ Xây dựng; đưa chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng dự toán công trình, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 8, Nghị định 112/2009/NĐ- CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ.

Đoàn thanh tra cũng phát hiện tại dự án xây dựng Trường trung học cơ sở Trần Phú, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên địa chính Hà Nội khi trong nội dung hợp đồng không có hình thức hợp đồng, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 47 , Luật Đ ấu thầu 2005; thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn khảo sát xây dựng công trình không phù hợp với quyết định chỉ định thầu, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 14, Nghị định 48/2010/NĐ-CP.

Để xảy ra các tồn tại trên, Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm thuộc Ban Quản lý dự án quận, các nhà thầu tư vấn lập dự án là Công ty cổ phần tư vấn, xây dựng và đầu tư Đông Đô; Công ty cổ phần kiến trúc công nghệ và đầu tư xây dựng Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Cũng theo Kết luận Thanh tra về công tác quản lý chất lượng công trình, mặc dù 4 dự án trên đã bàn giao và đưa vào sử dụng, nhưng chưa có văn bản kết luận kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng, vi phạm Điều 32, Nghị định 15/2012/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ ; chưa bàn giao quy trình bảo trì cho đơn vị quản lý sử dụng theo quy định, vi phạm tại khoản 2 Điều 9, Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ. Các dự án không phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng theo quy định, vi phạm tại khoản 1 Điều 6, Nghị định 209/2004/NĐ-CP.

Nhật ký thi công chưa đảm bảo theo quy định, một số chứng chỉ xuất xứ, chứng chỉ chất lượng vật liệu chưa đầy đủ, thiếu kết quả thí nghiệm, một số biên bản áp dụng tiêu chuẩn nghiệm thu chưa phù hợp với công việc nghiệm thu ..., vi phạm khoản 6 Điều 25, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Trách nhiệm thuộc các nhà thầu thi công xây lắp là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 52; Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 129 - Ban cơ yếu Chính phủ; Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Constrexim số 8; Công ty cổ phần xây dựng Tuổi trẻ Thủ đô...

Trước những sai phạm trên của Ban quản lý dự án quận Hoàng Mai, Đoàn Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu loại bỏ chi phí, không đưa vào quyết toán dự án hoàn thành đối với chi phí thiết kế bản vẽ thi công trạm điện dự án xây dựng Trường trung học cơ sở Trần Phú với số tiền hơn 19,7 triệu đồng; không phê duyệt trong thiết kế bản vẽ thi công - dự toán đối với chi phí giải phóng mặt bằng dự án cải tạo Trường tiểu học Đại Từ với số tiền hơn 422 triệu đồng. Đối với các nhà thầu tham gia thực hiện dự án đã có hành vi vi phạm hành chính trong công tác quản lý chất lượng công trình, Đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu.

Đoàn Thanh tra cũng kiến nghị đối với chủ đầu tư y êu cầu Ban quản lý dự án quận nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ phận, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các vi phạm; đồng thời y êu cầu các nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công rút kinh nghiệm đối với các tồn tại về năng lực và công tác quản lý chất lượng công trình.

Về xử lý kinh tế, Đoàn Thanh tra cũng kiến nghị t hu hồi giá trị quyết toán không đúng quy định đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 với số tiền xấp xỉ 97 triệu đồng; y êu cầu chủ đầu tư khi quyết toán các gói thầu, phải giảm trừ giá trị quyết toán, kết quả thực hiện báo cáo bằng văn bản về Sở Xây dựng. Cụ thể: Công ty cổ phần Xây dựng Tuổi trẻ Thủ Đô hơn 15 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 129- Ban cơ yếu Chính phủ hơn 89 triệu đồng và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 52 là hơn 78 triệu đồng.

Qua công tác kiểm tra hiện trường các dự án, để đảm bảo tuổi thọ của công trình theo thiết kế, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đoàn Thanh tra kiến nghị, đối với dự án chưa hết thời hạn bảo hành, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây lắp sửa chữa khắc phục ngay các hỏng hóc, sự cố theo đề nghị của nhà trường, đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý sử dụng. Đối với dự án đã hết thời hạn bảo hành, chủ đầu tư bàn giao quy trình bảo trì được duyệt cho nhà trường để chủ động trong việc lập kế hoạch, dự trù kinh phí bảo trì theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục