Nhiều vụ án kéo dài vì không có kết luận giám định tư pháp

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn, nhiều vụ việc không có kết quả giám định nên không giải quyết được, có vụ bị đình chỉ, kéo dài cả 5-6 năm.
Nhiều vụ án kéo dài vì không có kết luận giám định tư pháp ảnh 1Toàn cảnh phiên họp. (Nguồn: quochoi.vn)

Ngày 7/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp với các cơ quan trung ương về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Nhiều vụ án kéo dài do chờ kết quả giám định

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp, Luật Giám định tư pháp từ khi được ban hành đến nay đã dần đi vào cuộc sống, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác giám định tư pháp, nhất là trong tố tụng hình sự, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công tác giám định tư pháp ở các lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện thể chế tổ chức, cơ chế hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

Về cơ bản, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp trong việc củng cố, hoàn thiện tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp và quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Công tác triển khai tổ chức thi hành Luật Giám định tư pháp được tiến hành từ Trung ương tới địa phương. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành hệ thống các văn bản quy định chi tiết và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thi hành Luật Giám định tư pháp.

Tuy nhiên, sau sáu năm triển khai thi hành, Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần sớm khắc phục để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới. Một tồn tại, hạn chế nổi bật mà các báo cáo và nhiều đại biểu nêu ra là vấn đề do pháp luật chưa quy định thời hạn tối đa để giám định nên dẫn đến một số vụ án thời gian giám định kéo dài, làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án.

Chẳng hạn, trong các vụ án mà giá trị tài sản là căn cứ xác định thời hạn xét xử, có tính quyết định đến việc xác định khung hình phạt như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhóm tội có yếu tố chiếm đoạt..., nếu việc định giá kéo dài tất yếu sẽ dẫn đến phải gia hạn hoặc tạm đình chỉ vụ án, chờ kết luận định giá tài sản từ Hội đồng định giá. Có trường hợp tòa án chờ đợi quá lâu mà không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án hoặc phải làm công văn nhắc nhở cơ quan giám định cung cấp kết quả nhiều lần.

Nhiều vụ việc phải giám định lại nhiều lần với kết quả khác nhau, kết luận giám định tư pháp ở một số trường hợp chưa thực sự chính xác, khách quan, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, một số kết luận giám định pháp y còn chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung vì kết luận giám định chưa làm rõ các vấn đề mà giám định pháp y phải chứng minh.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn, vấn đề trên là điểm nghẽn trong công tác giám định trong thời gian qua, nhiều vụ việc không có kết quả giám định nên không giải quyết được, có vụ bị đình chỉ, kéo dài cả 5-6 năm.

Bên cạnh đó, một số việc chưa giải quyết được vì có sự khác nhau giữa các kết luận giám định tư pháp, khi đó cơ quan chức năng không biết phải căn cứ theo giám định nào.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp, “việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác.” Tuy nhiên, như thế nào là “có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác” lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Trong thực tiễn, có trường hợp kết quả giám định lần đầu do cơ quan giám định này thực hiện mâu thuẫn với kết quả giám định lần hai do cơ quan giám định khác thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể để xác định kết luận giám định nào là đúng, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Từ đó, ông Trần Công Phàn cho rằng những vấn đề khó khăn, vướng mắc này phải được nghiên cứu, đưa vào luật sửa đổi, bổ sung.

Các ngành cần ban hành quy trình giám định chuẩn

Theo báo cáo, trong quá trình giải quyết một số vụ án phức tạp liên quan đến giám định tư pháp, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám định tư pháp chưa chặt chẽ. Ngoài ra, thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh với các tổ chức thực hiện giám định tư pháp ở Trung ương chủ yếu còn mang tính sự vụ trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của một cơ quan, chưa có tính tổng thể, toàn diện, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Do đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu, sớm xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa lực lượng pháp y y tế và pháp y trong Công an, tránh chồng chéo, lãng phí nhân lực như hiện nay.

Một vấn đề nữa được báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp chỉ ra là nhiều bộ, ngành chưa ban hành được các quy trình giám định chuẩn về giám định tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực của mình hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù. Sự chậm trễ này đã gây không ít khó khăn cho công tác giám định tư pháp theo vụ việc, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Một số bộ, ngành, địa phương không kịp thời cử giám định viên theo vụ việc; một số trường hợp giám định còn kéo quá dài...

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, công tác cán bộ để các cơ quan giám định tư pháp đáp ứng được yêu cầu công tác; có chính sách đặc thù để tuyển chọn, thu hút đối với những người có trình độ chuyên môn thuộc các chuyên ngành còn thiếu để bổ sung giám định viên theo vụ việc.

Trao đổi về khó khăn trong công tác giám định tư pháp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, công tác khám nghiệm tử thi chịu rất nhiều áp lực. Có những vụ án mà cán bộ khám nghiệm tử thi từ sáng đến chiều phải khám nghiệm bốn nạn nhân. Từ đó, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng lực lượng giám định viên pháp y cần phải được bảo vệ, chăm lo, có chế độ chính sách hết sức ưu đãi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chia sẻ về những khó khăn của những người làm công tác giám định pháp y và cho rằng chế độ đãi ngộ không tương xứng thì rất khó thu hút đội ngũ có trình độ cao tham gia.

Lãnh đạo Ủy ban Tư pháp ghi nhận ý kiến các cơ quan có trách nhiệm, cho biết rằng tới đây sẽ hoàn thiện báo cáo giám sát, trong đó nêu kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp, đặc biệt là giám định tư pháp trong tố tụng hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục