Nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Khoáng sản

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Khoáng sản.
Chiều 23/7, tiếp tục phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy viên Ủy ban cho ý kiến vào Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), tập trung vào các nội dung chiến lược tài nguyên khoáng sản; quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản...

Đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản là cần thiết. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, chỉ điều chỉnh đến công đoạn phân loại, làm giàu khoáng sản nằm trong khâu khai thác khoáng sản, không điều chỉnh toàn bộ hoạt động chế biến, sử dụng khoáng sản.

Các đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và một số đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo cho rằng việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu về Bộ Tài nguyên và Môi trường để hạn chế tình trạng cấp phép tràn lan như trong thời gian qua.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm duy nhất về quy hoạch, thăm dò khai thác khoáng sản.

Một số đại biểu đề nghị giữ nguyên thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và giấy phép khai thác tận thu của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; bỏ quy định giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản ở những khu vực ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước và ngoài khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Đồng thời điều chỉnh theo hướng tăng cường sự quản lý của trung ương trong việc cấp phép đối với các diện tích khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ chỉ phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp phép (thăm dò, khai thác khoáng sản) ở các khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.

Về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Đại biểu Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị rõ nguyên tắc phân chia nguồn thu trong hoạt động khoáng sản nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của địa phương, Nhà nước và doanh nghiệp.

Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm đối với việc xây dựng, duy tu, bảo vệ cơ sở hạ tầng của địa phương, bảo đảm việc đền bù đất đai, nhất là đất sản xuất lúa, bảo vệ nguồn nước và môi trường để hạn chế thiệt hại do hoạt động khoáng sản gây ra. Ngoài ra cần ưu tiên sử dụng và chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động địa phương...

Đại biểu Ksor Phước đề nghị quy định cụ thể trong Luật trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với cơ sở hạ tầng tại khu vực khai thác.

Nhiều đại biểu đồng tình với quy định đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản và cho rằng việc này là tích cực nhất, công khai minh bạch nhất. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản vì tính rủi ro trong hoạt động thăm dò là rất cao. Mặt khác, khi chưa thăm dò thì chưa đánh giá được trữ lượng, chất lượng khoáng sản nên khó thực hiện.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải đề nghị chỉ đấu giá mỏ có trữ lượng chứ không nên quy định đấu giá khu vực. Ngoài ra, cần quy định thăm dò đến cỡ nào về trữ lượng thì mới thực hiện đấu giá trữ lượng. Ngoài trữ lượng đó ra nếu phát hiện phải đấu giá tiếp.

Đại biểu Ksor Phước đề nghị không quy định việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản trong Luật, vì nếu doanh nghiệp không thực hiện được thì phải thu hồi và tổ chức đấu giá cho tổ chức khác thực hiện. Nếu có sang nhượng phải quy định chặt chẽ điều kiện được sang nhượng và có cơ chế giám sát để phòng ngừa tiêu cực./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục