Nhiều ý kiến khác nhau về bồi thường cho thân nhân của người bị oan

Thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã có những ý kiến khác nhau về bồi thường cho người thân của người bị oan.
Nhiều ý kiến khác nhau về bồi thường cho thân nhân của người bị oan ảnh 1Công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Báo cáo Một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 18), qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật.


[Lý giải về mức bồi thường oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén]

Tiếp thu ý kiến này, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhưng cũng không gây tâm lý e ngại, làm ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý quy định này theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật,” được thể hiện tại khoản 1 Điều 18 của dự thảo Luật.

Vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, các đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định tại Điều 27, theo đó chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan. Ý kiến này cho rằng, trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đánh giá quy định như dự thảo là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Về bản chất, đây là khoản tiền bồi thường cho người bị oan nhưng do người đó đã chết nên những người thừa kế được hưởng.

Ông Định nêu, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan nói chung trong hoạt động tố tụng hình sự phải làm rõ một số vấn đề như mức bồi thường ra sao, bồi thường một khoản cho tất cả người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người thân thích của người bị oan, chưa kể nếu bồi thường cho hàng thừa kế thứ nhất, thực tế phát sinh trường hợp người bị oan có nhiều người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, có người bị oan, người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã chết, hàng thừa kế thứ hai là người trực tiếp thăm nuôi...

“Do còn có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”- ông Định nói.

Giải trình thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, nếu quy định bồi thường cả cho người thân thích thì không phù hợp với quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong Bộ luật Dân sự 2015. Quan hệ pháp luật ở đây không phải là bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết mà là quan hệ thừa kế.

“Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho người thừa kế là không có, trái với Bộ luật Dân sự”- Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, Luật hiện hành cũng không quy định về vấn đề này; kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định. Nếu làm vậy sẽ mở rộng đối tượng và cũng không công bằng với những trường hợp khác như xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức, những trường hợp này, người thân thích của họ cũng bị ảnh hưởng. Nhà nước phải chi một khoản bồi thường nhiều hơn, không định lượng được số lượng người thừa kế sẽ là bao nhiêu. Bộ trưởng đề nghị chỉ trình một phương án, bồi thường thiệt hại trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào nhìn nhận thực tế, người bị oan tổn thất về tinh thần nhưng người thân thích như cha, mẹ, vợ, con, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng bị ảnh hưởng, tổn thất về tinh thần và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu nói về hiệt hại về mặt tinh thần thì kể cả người bị thiệt hại là người bị oan và cả người thân thích của họ cũng bị thiệt hại về tinh thần - "tôi hiểu rằng những người đó cũng chịu thiệt hại rất lớn về mặt tinh thần". Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đưa cả hai loại ý kiến lên Quốc hội quyết định.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục