Nhiều ý kiến khác nhau về Luật Thi hành án hình sự

Sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại Hội trường và cho nhiều ý kiến vào Dự án Luật Thi hành án hình sự.
Sáng 26/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật Thi hành án hình sự.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực hiện các bản án, quyết định Tòa án và nguyên tắc xây dựng Luật phải thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành án.

Hơn 20 ý kiến tại hội trường của các đại biểu tập trung vào một số vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau như về phạm vi điều chỉnh của Luật; việc có nên quy định cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, công an xã phường, thị trấn; nhà tạm giữ, tạm giam, có trách nhiệm thi hành án hình sự; hình thức thực hiện án tử hình...

Các đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Trương Văn Khoa (Thanh Hóa), Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cùng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật chỉ quy định về tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt, không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp.

Đại biểu Hoàng Văn Minh cho rằng, không nên đưa biện pháp tư pháp vào phạm vi điều chỉnh của Luật vì thi hành án hình sự cơ bản là thi hành hình phạt hình sự, liên quan đến đối tượng tội phạm; chế độ pháp lý thi hành hình phạt và biện pháp tư pháp là hoàn toàn khác nhau; trong thực tế, các hiện pháp tư pháp do quyết định của Tòa án không nhiều trong tổng số các biện pháp tư pháp khác do cơ quan hành pháp ra quyết định. Việc không quy định biện pháp tư pháp vào phạm vi điều chỉnh của Luật còn nhằm đảm bảo tính thống nhất của các luật pháp liên quan.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, không thể lấy lý do hoạt động thực hiện các biện pháp tư pháp chưa có Luật nào điều chỉnh mà đưa vào trong Luật Thi hành án hình sự, vì vẫn có thể điều chỉnh bằng văn bản dưới luật và thực hiện như thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội khác lại nhất trí với Dự thảo Luật do Chính phủ trình về phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả các biện pháp tư pháp.

Theo đại biểu Trần Văn Độ (An Giang), hoạt động thi hành án bản chất là hoạt động hành chính tư pháp nhưng có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Thi hành án hình sự là hoạt động thi hành các quyết định, bản án của Tòa án trong lĩnh vực hình sự, không đơn thuần chỉ là các hình phạt hình sự. Vì thế Luật cần điều chỉnh cả biện pháp tư pháp hình sự.

Cùng chung ý kiến trên, đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) cho rằng cần đưa đối tượng áp dụng các biện pháp tư pháp liên quan đến con người vào Luật, để đảm bảo mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tội phạm. Việc quy định phạm vi điều chỉnh theo tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đầy đủ và không mâu thuẫn với các quy định pháp luật liên quan. Đại biểu Phạm Văn Minh (Bắc Giang), Võ Văn Đủ (Đắk Nông) và một số đại biểu khác cũng có cùng quan điểm nói trên.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về việc cần thiết có một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thi hành án hình sự, trước mắt giao cho Bộ Công an đảm nhiệm vai trò này. Các quy định về hệ thống cơ quan quản lý và cơ quan thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Theo đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương), trại tạm giam, nhà tạm giữ không thể xác định là cơ quan thi hành án hình sự cho dù thực tế khách quan có một số đối tượng đang thi hành án hình sự được quản lý, giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Cần xác định nhà tạm giữ, tạm giam là nơi có người đang thi hành án hình sự, chứ không thể là cơ quan thi hành án hình sự.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Hoàng Văn Minh (Nghệ An) có cùng quan điểm cho rằng, không nên luật hóa một tình trạng mang tính tình thế về sử dụng trại tạm giam, nhà tạm giữ cho hoạt động giam giữ người đang thi hành án hình sự....

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ban thư ký, cơ quan soạn thảo cần ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu và báo cáo cho Quốc hội về những vấn đề còn chưa thống nhất của các đại biểu về phạm vi điều chỉnh; cơ quan thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự; hình thức thi hành án tử hình...

Ban soạn thảo cần quan tâm đến ý kiến của các đại biểu việc quy định rõ hơn trong Dự luật về trách nhiệm, thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân trong thực hiện thi hành án hình sự hay một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp đã được đại biểu Quốc hội nêu ra.

Dự án Luật Thi hành án hình sự trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lần này gồm 15 Chương, 216 Điều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục