Nhìn lại 10 năm nước Mỹ với chính sách 'xoay trục sang châu Á'

Trong 10 năm tới, thậm chí dài hơn, châu Á vẫn là phương hướng chiến lược chủ yếu của Mỹ, và Trung Quốc chắc chắn sẽ là trọng tâm chiến lược của Mỹ.
Nhìn lại 10 năm nước Mỹ với chính sách 'xoay trục sang châu Á' ảnh 1Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Nguồn: Getty Images)

Ông Barack Obama sinh ở Hawaii nên tuyên bố mình là tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ.

Ngày 11/10/2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công bố bài viết “Thế kỷ châu Á của Mỹ” trên tạp chí Foreign Policy, tuyên bố Mỹ đang chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang châu Á.

Cho đến khi Tổng thống Joe Biden rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm nay, việc điều chỉnh chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ đã trải qua 10 năm.

Theo Chinatimes, cuộc đối đầu chính thức ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc đều diễn ra ở Quốc hội Australia và đều vào ngày 17/11.

Ngày 17/11/2011, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia, ông Obama chính thức tuyên bố Mỹ đang tích cực chuyển hướng sang châu Á, sẽ cùng các đồng minh định hình một khu vực châu Á-Thái Bình Dương “an toàn, thịnh vượng, tôn nghiêm.”

[Thế khó của Mỹ khi tìm đường xoay trục về châu Á]

Đúng ba năm sau, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào ngày 17/11, nhấn mạnh môi trường trong nước hài hòa, ổn định và môi trường quốc tế hòa bình, an ninh là điều Trung Quốc cần nhất, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tuân theo nguyên tắc “hòa bình, phát triển, hợp tác, cùng thắng,” làm bạn với láng giềng, thân thiện với láng giềng.

Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott đã nồng nhiệt tiếp đón Tập Cận Bình tại thủ đô Canberra 7 năm trước, đồng thời tuyên bố cùng Trung Quốc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.”

Đầu tháng 10 vừa qua, ông Tony Abbott đích thân đến Đài Loan, kêu gọi các đồng minh đoàn kết với Đài Loan tự do, dân chủ.

Ông Tony Abbott nhấn mạnh nếu Bắc Kinh tìm cách bức ép Đài Loan, hậu quả sẽ rất khó tưởng tượng. Ở mức độ nhất định, sự chuyển hướng của ông Tony Abbott đã phản ánh sự thay đổi mang tính đảo ngược và sâu sắc của cục diện địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong 10 năm qua.

Trung Quốc dựa vào mô hình ra quyết sách và vận hành đặc biệt dưới “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” và “thể chế toàn quốc,” sử dụng đầy đủ các công cụ chính trị, luôn có thể áp chế hoặc thích nghi để vượt qua khó khăn, hình thành một loại hiệu quả trỗi dậy “bất đối xứng” với chế độ dân chủ phương Tây.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình dựa vào các khái niệm “hạt giống đỏ,” “không quên nguyện ước ban đầu,” “giấc mộng Trung Hoa,” đẩy mạnh cải cách và củng cố quyền lực để ổn định chính quyền và nhanh chóng vượt lên “tiến gần hơn đến trung tâm vũ đài quốc tế."

Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố “Vùng nhận dạng phòng không Biển Hoa Đông,” đẩy nhanh “lấn biển xây đảo” ở Biển Đông, đồng thời bắt đầu thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế-thương mại toàn cầu “Vành đai và Con đường.”

Năm 2014, tại hội nghị thượng đỉnh “Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á” (CICA), Trung Quốc đề xuất “những vấn đề của châu Á phải do người châu Á giải quyết.”

Về mặt quân sự, năm 2015 Trung Quốc khởi động “cải cách sâu rộng quốc phòng và quân đội” theo phương châm “quân ủy quản tổng, quân chủng chủ kiến, quân khu chủ chiến,” tổ chức lại “quân ủy trung ương,” phân chia lại “5 đại chiến khu,” nhấn mạnh huấn luyện “thực chiến hóa,” ban hành “đề cương tác chiến liên hợp” phiên bản thử nghiệm, đồng thời dựa vào tốc độ vượt xa thế giới để tiến hành hiện đại hóa toàn diện trang thiết bị quân sự.

Ba đời Tổng thống Mỹ bao gồm các ông Barack Obama, Donald Trump, Joe Biden đọ sức 10 năm với ông Tập Cận Bình, từ “xoay trục sang châu Á,” “tái cân bằng châu Á,” đến “châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực hồi năm 2016 trong vấn đề Biển Đông cơ bản không phát huy tác dụng, cuộc chiến thương mại khởi xướng năm 2018 vẫn chưa thể hạ thấp kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ, cơ chế đối thoại bốn bên Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia (nhóm Bộ tứ) tái khởi động gần đây và liên minh quân sự Australis-Anh-Mỹ (AUKUS) đều vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi, sự chuyển hướng của Mỹ đã chậm lại không chỉ một vài nhịp.

Mỹ không thể nắm bắt cơ hội đi trước của việc chuyển hướng, sức mạnh duy trì quyền thống trị sụt giảm đáng kể. Mười năm sau, mặc dù vẫn đứng ở vị trí cường quốc số một thế giới, song Mỹ đã không còn khả năng duy ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhận định tình hình chiến lược “phương Đông bừng sáng, phương Tây suy tàn” của Chủ tịch Tập Cận Bình không phải là một điều viển vông, mà đã thuyết minh cho thành tựu 10 năm chuyển hướng sang châu Á của Mỹ.

Trong 10 năm tới, thậm chí dài hơn, châu Á vẫn là phương hướng chiến lược chủ yếu của Mỹ, và Trung Quốc chắc chắn sẽ là trọng tâm chiến lược của Mỹ.

Trong cấu trúc của cuộc cạnh tranh địa chiến lược này, thực tế mà Đài Loan đối diện là ngày càng cách xa Trung Quốc và xích lại gần hơn với Mỹ.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng những thứ Trung Quốc cần lấy không nhất thiết là những thứ Mỹ muốn giữ. Hai gã khổng lồ sẵn sàng chiến đấu trước cửa nhà mình, vấn đề cơ bản không phải là chọn bên mà là sự khôn ngoan né tránh rủi ro không để xảy ra chiến tranh.

Nếu Đài Loan muốn chu toàn thì cần phải giao thiệp, nghĩa là vừa giao thiệp với Mỹ, vừa giao thiệp với Bắc Kinh.

Sự đảm bảo bằng lời nói “vững như bàn thạch” và động thái hỗ trợ an ninh của các quan chức chính phủ Mỹ nghe có vẻ thuyết phục, song trên thực tế là xuất phát từ lợi ích của Mỹ.

Trung Quốc tạm thời kiềm chế “làn sóng kêu gọi thống nhất bằng vũ lực” xem ra để trấn an dư luận, nhưng trên thực tế Bắc Kinh cũng cân nhắc đến việc phục hưng sự vĩ đại của dân tộc.

Quá trình “xoay trục sang châu Á” của Mỹ diễn ra không suôn sẻ, phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc khiến cho các khu vực xung quanh khó ổn định. Hai cường quốc tranh giành quyền thống trị, chắc chắn không phải là trận đấu để chứng tỏ bên nào yêu Đài Loan hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục