Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua

Thế giới đã có 1 năm đầy biến động với những diễn biến phức tạp tại Trung Đông, Bắc Phi; thảm họa thiên nhiên và khủng hoảng kinh tế.
Năm 2011 - một năm với nhiều mảng xám trong bức tranh toàn cảnh thế giới đã khép lại. Thế giới đã chứng kiến một năm đầy biến động với cuộc chiến chống khủng bố căng thẳng; những diễn biến phức tạp tại Trung Đông và Bắc Phi; thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu; chạy đua vũ trang và nan giải nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính và tình trạng nợ công cao ở hàng loạt nước phát triển mà các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Dưới đây là những điểm nổi bật nhất của tình hình thế giới trong năm 2011: Tính hình chính trị-xã hội Bạo lực tràn lan tại Trung Đông, Bắc Phi Bắt nguồn từ một vụ tự thiêu của một thanh niên người Tunisia vào ngày 2/1/2011, các cuộc biểu tình, sau đó biến thành bạo động của những người chống chính phủ đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Tunisia Ben Ali, buộc ông này phải sống lưu vong. Cuộc bạo động chính trị ở Tunisia như một mồi lửa thổi bùng thành đám cháy lớn lan sang hàng loạt quốc gia Bắc Phi và Trung Đông khác như Ai Cập, Libya, Syria, Yemen, Jordan...
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 1
Người Ai Cập biểu tình tại quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 30/1/2011.
(Nguồn: AFP/TTXVN)
Tại Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Arập, nhiều cuộc biểu tình, bạo động quy mô lớn đã buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ bỏ quyền lực sau 30 năm cầm quyền, và trao lại quyền cho quân đội nước này. Cuộc khủng hoảng tưởng như đã đến hồi kết, song thực tế hiện nay Ai Cập lại đang rơi vào một cuộc hỗn loạn mới với hàng loạt các cuộc đình công, biểu tình và mất trật tự an ninh. Tại Yemen, sau nhiều lần tìm cách thoái thác, cuối cùng Tổng thống Abdullah Saleh cũng phải ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực, chấp nhận lùi bước trước sức ép của làn sóng biểu tình chống chính phủ. Như vậy, sau hơn 30 năm cầm quyền, Tổng thống Abdullah Saleh đã phải từ chức để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới do phe đối lập lãnh đạo và tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 21/2/2012. Trong khi đó, với sự hỗ trợ bằng súng đạn của phương Tây, cuộc chuyển giao quyền lực tại Libya đã diễn ra đẫm máu hơn. Dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1793 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Libya, liên quân do Mỹ, Anh, Pháp đứng đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự "Bình minh Odyssey," không kích dữ dội các mục tiêu tại Libya, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Cuộc lật đổ chính quyền đã kết thúc với cái chết bi thảm của Tổng thống Muammar Gaddafi và để lại một đất nước Libya tan hoang, kiệt quệ sau nhiều tháng chìm trong nội chiến.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 2
Thi thể của ông Gaddafi tại Misrata ngày 20/10/2011.
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi vở kịch đẫm máu ở Libya hạ màn, thế giới đang quan ngại về một vở kịch thảm khốc hơn sẽ xảy ra tại Syria, nơi mà các lực lượng chính trị đối lập cùng với sự tiếp tay của phương Tây đang kích động người dân tiếp tục chống lại chính phủ. Không có ai dám khẳng định Tổng thống Syria Al-Assad sẽ chịu từ chức cũng như chấm dứt các hoạt động trấn áp người biểu tình trước sức ép của dư luận. Chính vì thế, cuộc khủng hoảng tại Syria đến nay vẫn chưa có lối thoát. Có thể nói, cơn địa chấn chính trị-xã hội ở Trung Đông-Bắc Phi đã khiến một loạt chính phủ tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị ở các nước này và hiện đang làm trầm trọng thêm nền kinh tế khu vực, đồng thời tạo ra một hiệu ứng lớn lan ra nhiều khu vực trên thế giới. Biểu tình phản đối chính phủ tại Mỹ và châu Âu Tại một số nước châu Âu và Mỹ diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ, trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế. Tại trung tâm thủ đô Praha của Séc đã diễn ra cuộc biểu tình của hơn 2.000 người, gồm giáo viên và sinh viên các trường đại học cùng các nhà hoạt động công đoàn nhằm phản đối chính sách kinh tế của chính phủ. Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu yêu cầu chính phủ từ chức. Họ cho rằng hiện nay ở Séc, thay vì tự do và đoàn kết là chủ nghĩa tư bản tham nhũng hoành hành. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, hàng nghìn người, chủ yếu là giáo viên và sinh viên các trường đại học, đã tham gia biểu tình tại thủ đô Madrid, nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm kinh phí giáo dục. Những người biểu tình đã chặn cổng vào tòa nhà Quốc hội. Cảnh sát phải sử dụng vũ lực giải tán đám đông và có 6 người biểu tình đã bị bắt giữ. Biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thành phố Barcelona, Đông Bắc Tây Ban Nha, với sự tham gia của hàng nghìn người. Đoàn biểu tình giương cao các khẩu hiệu mang dòng chữ "Giáo dục không phải là thứ để bán," yêu cầu duy trì nền giáo dục công. Chính quyền các địa phương ở Tây Ban Nha đang chịu sức ép từ chính phủ trung ương phải cắt giảm ngân sách giáo dục nhằm giảm thâm hụt ngân sách đất nước. Tại Hy Lạp, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán các sinh viên biểu tình ở thủ đô Athens, để phản đối chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ mới đưa ra. Theo cảnh sát, có khoảng 27.000 người tham gia tuần hành phản đối ở Athens, trong khi ở thành phố lớn thứ hai Hy Lạp,Thessalonika, cũng có 15.000 người xuống đường biểu tình. Cùng thời gian, các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ cũng loạt nổ ra tại nhiều thành phố của Italy như Milan, Rome, Palermo..., dẫn tới nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát và người tham gia biểu tình. Tại Rome, người biểu tình đã ném trứng và cam vào trụ sở Thượng viện để phản đối, khi tân Thủ tướng Mario Monti trình bày trước cơ quan này kế hoạch giải quyết khủng hoảng của chính phủ lâm thời. Tại thủ đô London (Anh), những người biểu tình phản đối chủ nghĩa tư bản đã dựng trại tại quảng trường trước nhà thờ Thánh Paul và từ chối rời khỏi đây bất chấp thời hạn chót do chính quyền khu trung tâm tài chính London đặt ra. Họ biểu tình để phản đối hành động của các chủ ngân hàng mà họ cho là phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. Còn tại Mỹ, phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” của một nhóm những người trẻ tuổi dựng trại bên ngoài trụ sở của Công ty chứng khoán New York, nhưng sau đó leo thang dần và trở thành một phong trào có quy mô rộng khắp đất nước.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 3
Người biểu tình "Chiếm lấy phố Wall" dựng trại tại Quảng trường
Tự do ở Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình là sự phản đối tình trạng ưu ái quá mức của Chính phủ Mỹ đối với giới ngân hàng, tình trạng thất nghiệp dai dẳng, khoảng cách giàu nghèo và bất công trong xã hội, tình trạng tham nhũng... Có thể nói phong trào biểu tình “Chiếm lấy Phố Wall” ở New York cũng đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình tại châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Vào thời điểm cao trào, các nhà tổ chức tuyên bố biểu tình sẽ nổ ra tại 951 thành phố thuộc 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh hưởng của “Chiếm lấy Phố Wall” bên ngoài nước Mỹ thể hiện rõ rệt nhất ở châu Âu, lục địa già đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng. Ngoại giaoNga-Mỹ "ăn miếng trả miếng" Nổi bật là mối quan hệ giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Những màn "khẩu chiến," những động thái “ăn miếng, trả miếng” khiến mối quan hệ Nga-Mỹ, vốn được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, lại nổi sóng trong năm 2011. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang đẩy tiến trình “tái khởi động” quan hệ giữa hai nước, do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc. Phải thừa nhận rằng những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm cải thiện quan hệ với Nga trong hơn ba năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, tăng cường hợp tác trong vấn đề Afghanistan, khôi phục đối thoại về tất cả các vấn đề, từ kinh tế đến giáo dục và nhận con nuôi,... Nhờ đó, mối quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như giữa Nga với một số nước Đông Âu, được thổi một luồng sinh khí mới. Tuy nhiên, năm 2011, xu hướng tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ đã bị phủ bóng đen bởi những bất đồng liên quan đến các vấn đề quốc tế nóng bỏng cũng như các vấn đề trong mối quan hệ song phương. Hai bên không chỉ liên tục tung ra những màn “đấu khẩu,” mà còn có những hành động mang tính chất trả đũa lẫn nhau, khiến những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng quan hệ Nga-Mỹ đang quay lại thời Chiến tranh Lạnh. Giới phân tích cho rằng căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ giữa hai cường quốc trên khó có thể hạ nhiệt trong năm 2012 khi tại hai nước này diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống. Điều quan trọng là giới lãnh đạo cấp cao hai nước cần tiếp tục thể hiện thiện chí đàm phán để tìm được tiếng nói chung nhằm tháo gỡ những bất đồng trong quan hệ song phương. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương Các chuyên gia phân tích không quá lời khi nhìn nhận 2011 là "Năm châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ. Dường như chưa có thời điểm nào mà các quan chức Mỹ lại có những hoạt động ngoại giao sôi động và nổi bật ở khu vực châu Á như trong năm 2011. Với việc là thành viên chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS- kết nối lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN với tám quốc gia khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, nước Mỹ đã có những chuyển dịch mạnh mẽ cả trong lời nói và hành động, cả về chiến lược lẫn chính sách theo hướng coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn. Đặc biệt, Mỹ bắt đầu có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á như tăng quân đến Australia, có kế hoạch triển khai tàu chiến ở Singapore, Philippines... Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái này của Mỹ là nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với đối thủ số một - Trung Quốc, trong bối cảnh năm 2011 là năm nhiều sóng gió tại Biển Đông. Kinh tế Châu Âu chìm trong nợ công Có thể nói, năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu diễn biến hết sức phức tạp. Sau khi từ Hy Lạp lan sang Ireland và Bồ Đào Nha, “bệnh nợ công” đã tấn công những nền kinh tế chủ chốt của Khu vực đồng euro là Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chưa đủ để dập tắt nguy cơ khủng hoảng nợ công biến thành khủng hoảng xã hội và thể chế trong khu vực. Trên bình diện quốc gia, cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại Hy Lạp, đó là hậu quả của nhiều năm quản trị tài chính công yếu kém và chi tiêu bừa bãi, trong khi tại Ireland, nguyên nhân chính là do sự mất kiểm soát hoạt động cho vay của một số ngân hàng. Trên bình diện khu vực, cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa là chế độ phúc lợi được thiết lập từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai theo hướng "chi nhiều hơn thu." Thói quen kéo dài nhiều thập kỷ này khiến các chính phủ châu Âu dễ dàng vay mượn để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song sự “vung tay quá trán” không tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đẩy “Lục địa già” vào tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao ngất ngưởng. Người ta nói nhiều tới nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng xã hội. Đợt bạo loạn mùa hè vừa qua ở Anh là dấu hiệu về một cơn thịnh nộ đang âm ỉ trong xã hội kể từ khi chính phủ nước này thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm ngân sách, khiến đời sống của tầng lớp trung lưu và lao động ngày càng khó khăn.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 4
Người dân Italy biểu tình phản đối chính sách kinh tế khắc khổ
ngày 17/11/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà nhiều nước châu Âu đang áp dụng đã trở thành “giọt nước tràn ly” làm gia tăng tâm lý bất mãn trong dân chúng. Các nhà phân tích cho rằng, những mâu thuẫn, bất mãn ở châu Âu như "quả bom hẹn giờ" chỉ chờ kích hoạt là bùng nổ. Trước những nguy cơ hiện hữu trên, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng làm những gì có thể để đưa khu vực đồng euro qua khỏi “cơn bạo bệnh.” Từ việc mở rộng quy mô và quyền hạn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm dựng "bức tường lửa" ngăn chặn bệnh nợ công lan rộng cho tới việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ mua trái phiếu chính phủ của những nước gặp khó khăn về tài chính. Thủ tướng Italy và Hy Lạp đã buộc phải từ chức do không tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong khi một loạt nước quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn với hy vọng một thổi luồng gió mới cho các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết nợ công. Liệu khu vực đồng euro có vượt qua “cơn bạo bệnh”? Liệu thế giới có rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới? Điều đó chỉ có thể phụ thuộc vào những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các nước châu Âu. Chắc chắn cuộc khủng hoảng nợ công sẽ còn “đeo bám” châu Âu trong thời gian tới và năm 2012 có thể sẽ là năm quyết định số phận đồng euro. Những điểm sáng hiếm hoi Bên cạnh bức tranh u ám của nền kinh tế khu vực đồng euro, thì châu Á và các nền kinh tế mới nổi lại trở thành những điểm sáng hiếm hoi, giúp cân bằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Toàn cầu hóa khiến các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á không tránh khỏi tác động tiêu cực từ sự đi xuống của các thị trường châu Âu và Mỹ, rõ rệt nhất là xuất khẩu sụt giảm và dòng vốn đầu tư đảo chiều. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực vẫn duy trì tốc độ phục hồi khá vững chắc, nhiều nước đã trở lại hoặc vượt mức tăng trưởng thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cuối các năm 2008-2009. Với thị trường hơn 600 triệu dân, tổng GDP gần 1.500 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng cao, "khu vực phát triển năng động Ðông Nam Á" được đánh giá là động lực tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 5
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khủng hoảng nợ châu Âu không tác động tới các nền kinh tế xuất khẩu châu Á một cách nghiêm trọng như mức độ khủng hoảng tín dụng ở Mỹ giai đoạn 2008-2009 đã từng ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Nhưng thực chất vẫn không có gì bảo đảm chắc chắn châu Á lặp lại thành công trong năm tới, một khi châu Âu rơi vào suy thoái. Châu Á đang là một giải pháp, và châu Á đang đứng trước những cơ hội rộng mở. Song, châu Á cũng cần phải nỗ lực hết mức để nắm vững những ưu thế của mình khi "cờ đã đến tay," nhằm biến những điểm sáng thành một “quầng lửa huy hoàng” Thảm họa và thiên tai Năm 2011, thế giới cũng đã phải gánh chịu những thảm họa thiên tai và an ninh môi trường với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Động đất, lũ lụt diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, trận siêu động đất mạnh 9,0 độ richter ngày 11/3 đã làm rung chuyển bờ biển phía đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần tàn phá hàng chục cộng đồng dân cư, khiến hơn 20.000 người chết và mất tích và gây tổn thất về tài chính ước tính 218 tỷ USD.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm qua ảnh 6
Sóng thần nhấn chìm khu dân cư tại Natori (Nhật Bản) ngày 11/3.
(Nguồn: Kyodo/TTXVN )
Cơn địa chấn mạnh nhất trong vòng một thế kỷ qua còn gây nổ tại các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Nỗi lo vì phóng xạ còn dai dẳng và lan xa đến tận Tokyo và thậm chí các nước láng giềng. Sẽ phải mất đến 40 năm nữa để vô hiệu hóa hoàn toàn những nguy cơ chết người từ các lò phản ứng ở đây. Theo các nhà kinh tế, trận động đất thảm khốc ở Nhật Bản sẽ làm chậm hơn tốc độ tăng trưởng của châu Á, nơi giá dầu đang gia tăng và tỷ lệ lãi suất ngày càng cao đã "làm nguội" đầu máy kinh tế toàn cầu này. Năm 2011 đã ghi nhận sự nỗ lực của các nước, các tổ chức quốc tế trong hợp tác toàn cầu để ổn định, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước thềm năm mới 2012, ước mơ của người dân thế giới thật đơn giản, đó là một nền kinh tế ổn định và mọi người được sống trong hòa bình./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục