Nhìn lại những cơ hội bị bỏ sót tại Đối thoại Shangri-La 2019

Khu vực Đông Nam Á, với mối quan hệ kinh tế và quân sự sâu sắc với Mỹ và mối quan hệ thương mại với nước láng giềng Trung Quốc, đã phải chật vật để có thể cân bằng hai thế lực cạnh tranh nhau.
Nhìn lại những cơ hội bị bỏ sót tại Đối thoại Shangri-La 2019 ảnh 1Toàn cảnh một phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Trang mạng Straitstimes.com đưa tin theo nhiều cách, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 vừa mới kết thúc sẽ được nhớ đến là một sự kiện khu vực nơi mà Trung Quốc đã “bằng vai phải lứa” với Mỹ, chí ít là nhìn bề ngoài.

Thế nhưng, sự kiện an ninh quan trọng khu vực này đã bỏ qua cơ hội để thúc ép Bắc Kinh thể hiện quan điểm về một số vấn đề gây quan ngại như hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Khi Trung Quốc “bằng vai” với Mỹ

Thông thường, tại các kỳ cuộc diễn ra đối thoại an ninh quan trọng khu vực này, phái đoàn Trung Quốc thường ca thán không có đủ thời lượng để bày tỏ suy nghĩ của mình so với đại biểu của Mỹ.

Đáp lại, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhà tổ chức sự kiện, luôn khẳng định rằng nếu người đại diện của Trung Quốc “đủ tầm” thì cũng sẽ có đủ thời lượng để cho họ diễn thuyết.

Và năm nay, Bắc Kinh cử một quan chức đủ tầm, bộ trưởng quốc phòng, tham dự diễn đàn an ninh này sau 8 năm vắng bóng hoặc chỉ cử cấp thấp hơn.

[Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhận định quan hệ Trung-Mỹ vẫn ổn định]

Được “đăng đàn” trong phiên khai mạc toàn thể ngày thứ 3 của diễn đàn đối thoại, ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thể hiện một màn diễn thuyết tài tình, vừa điềm đạm bảo vệ các quan điểm của Bắc Kinh vừa không bộc lộ mối lo lắng hay cảnh báo về sự suy giảm nhanh chóng mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ.

Nếu như quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhìn chung tránh chỉ đích danh Trung Quốc trong bài phát biểu trước đó của mình, thì Bộ trưởng Ngụy lại không hề có bất kỳ dè dặt nào như vậy.

Ngay từ những lời đầu tiên, ông Ngụy đã đi thẳng vào vấn đề: “Chúng tôi có những quan điểm khác biệt với Mỹ về một số vấn đề, và kiên quyết phản đối những từ ngữ và hành động sai trái của họ về vấn đề Đài Loan và Biển Hoa Nam,” người đứng đầu ngành quốc phòng Trung Quốc nói.

Đó là thông điệp được “gọt dũa” sao cho phù hợp với cả khán giả trong và ngoài nước. Không giống như Bộ trưởng Shanahan, vốn dường như không có giao thiệp gì sau bài phát biểu của mình với 600 bộ trưởng, tướng lĩnh và giới phân tích tham dự đối thoại, Tướng Ngụy lại có trọn vẹn cả buổi sáng dành cho họ. Khán giả Trung Quốc coi vị tướng này có đầy đủ năng lực để bảo vệ Trung Quốc.

Trong khi đó, khán giả thế giới có mặt tại khán phòng đối thoại Shangri-La này lại thấy một quan chức Trung Quốc không quá lo lắng về tình hình địa chính trị vốn phủ bóng đen lên cuộc đối thoại cũng như không né tránh đề cập về nó.

Như Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận định những diễn tiến trong tháng qua, nhất là sự sụp đổ đàm phán thương mại Mỹ-Trung, rào cản thuế quan và hạn chế công nghệ nhanh chóng được dựng lên “đã khiến khu vực này đi vào một quỹ đạo hoàn toàn khác."

Bỏ lỡ cơ hội

Mặc dù không kỳ vọng bất kỳ nước nào phải chọn “phe” trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung, nhưng ông Shanahan, khi kêu gọi thiết lập một mạng lưới các đồng minh và đối tác trong khu vực đã nói rõ rằng ông hy vọng các nước này sẽ phân bổ ngân sách nhiều hơn cho chi tiêu quốc phòng và thiết lập những nền tảng chung với Mỹ.

Mong muốn không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh này, nhiều nước đang thay đổi quan điểm của mình một cách khéo léo hoặc vội vàng đi theo quan điểm trung lập.

Nhìn lại những cơ hội bị bỏ sót tại Đối thoại Shangri-La 2019 ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ví dụ, Australia, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, đã đề cao việc Mỹ tiếp tục can dự kinh tế và chiến lược với khu vực.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát ghi nhận rằng Bộ trưởng Australia Linda Reynolds đã khéo léo không đề cập một trật tự an ninh khu vực do “Mỹ dẫn đầu.”

Mặc dù đây có thể là sự thiếu sót của một quan chức mới đảm nhiệm chức vụ đứng đầu ngành quốc phòng Australia trong vòng 4 ngày, song thế giới sẽ dõi theo liệu đây có là dự cảm cho sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn đường hướng hành động của các nước khác hay không.

Khu vực Đông Nam Á, với mối quan hệ kinh tế và quân sự sâu sắc với Mỹ và mối quan hệ thương mại và chủng tộc gần gũi với nước láng giềng Trung Quốc, đã phải chật vật để có thể cân bằng hai thế lực cạnh tranh nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề cập những mối đe dọa chung to lớn mà ASEAN đang phải đối mặt, và sự “cản trở” mà khu vực có thể đem lại để đánh bại những mối đe dọa này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tồn tại những khác biệt to lớn giữa các nước Đông Nam Á đại lục và ven biển kèm theo đó là những định hướng chiến lược khác nhau giữa các nước, bất kỳ hình thức nào về nền tảng quốc phòng chung cũng đều phi thực tế.

Thế nên, rõ ràng là khu vực cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc về điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana miêu tả là nguy cơ"mộng du vào một cuộc xung đột quốc tế khác."

Không thể cấu kết về mặt quân sự, các nước khu vực không có lựa chọn nào khác là chờ trực và cho phép ngày càng nhiều nước bên ngoài “nhảy” vào chính trường khu vực với danh nghĩa vì an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly giải thích sự hiện diện của nhóm tàu sân bay tấn công Charles de Gaulle tại căn cứ hải quân Changi là để khẳng định rằng Paris sẽ có tiếng nói trong việc “thiết lập các khối đối đầu toàn cầu ở châu Á.”

Theo bà, đây là “vấn đề của nguyên tắc khi luật lệ không còn là giới hạn của tham vọng.”

Cho dù tướng Ngụy Phượng Hòa có nói hay như thế nào thì vị bộ trưởng này đã bỏ qua cơ hội tại Shangri-La năm nay để giải đáp những quan điểm và thái độ của các nước nói trên và cũng lỡ dịp để phát đi những ngôn từ làm xoa dịu khu vực vốn đang tiềm ẩn nhiều xung đột.

Ông Drew Thompson, chuyên gia về Trung Quốc và hiện là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, chia sẻ rằng ông mong muốn được nghe Tướng Ngụy nói nhiều hơn về quan niệm cho rằng hoạt động hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã gây ra tình thế lưỡng nan cổ điển về an ninh, trong đó, những hành động của Bắc Kinh nhằm củng cố tình hình an ninh của mình lại gây ra tình trạng bất an cho các nước láng giềng cũng như các nước bên ngoài.

Một dịp (tại Shangri-La) mà Bắc Kinh cần phải thể hiện “nói đi đôi với làm” là giúp đẩy nhanh việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Khi COC được thực hiện, và nhất là khi Trung Quốc chấp nhận để tài liệu này mang tính ràng buộc pháp lý thì các nước Đông Nam Á sẽ thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng, lúc này, một COC mang tính ràng buộc pháp lý vẫn là một viễn cảnh xa vời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục