Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016

Sáng tác mới của Nguyễn Nhật Ánh, tự truyện của các nghệ sỹ, hồi ký của Toàn quyền Đông Dương… thu hút sự chú ý đặc biệt của độc giả trong năm 2016.
Đường sách Nguyễn Văn Bình chính thức đi vào hoạt động
Ngày 9/1, đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức đi vào hoạt động.

Đường sách có chiều dài 144m, được thiết kế theo hướng mở với 20 gian hàng (trưng bày, giới thiệu và bán sách) được bố trí hai bên lề đường; hai khu cà phê sách; khu trưng bày sách, báo, tranh ảnh theo chủ đề; khu mua bán, trao đổi sách cũ, những bộ sưu tập sách quý hiếm…

Bên cạnh đó, khu sân chơi trẻ em được tổ chức vào dịp cuối tuần, lễ tết với nhiều hoạt động như: thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh minh họa từ sách... nhằm góp phần hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ cho độc giả.

Các hoạt động giao lưu tác giả-bạn đọc, tọa đàm ra mắt sách… thường được tổ chức thường xuyên được tổ chức tại đường sách nhằm kết nối những người làm sách, những người yêu sách, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 1Ngày 9/1, đường sách Nguyễn Văn Bình chính thức đi vào hoạt động. (Ảnh: TTXVN)
Nguyễn Nhật Ánh - dấu ấn best-seller
Trong năm 2016, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục là nhà văn “ăn khách” của làng sách Việt. Hai tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh (tập truyện “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” và truyện dài “Ngày xưa có một chuyện tình”) tiếp tục “gây bão” trên thị trường xuất bản, liên tục lọt top những cuốn sách bán chạy tại một số nhà sách trực tuyến lớn (như tiki.vn, vinabook.com...) trong nhiều tháng.

Thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ cho biết, tính đến thời điểm phát hành chính thức trên toàn quốc (28/2), “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” là ấn phẩm giữ kỷ lục cuốn sách của tác giả trong nước có số ấn phẩm in lần đầu cao nhất (100.000 bản).

Không kém cạnh “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng,” ngay trong ngày phát hành chính thức đầu tiên (18/9), “Ngày xưa có một chuyện tình” trình làng với hai phiên bản: bìa cứng (10.000 bản) và bìa mềm (70.000 bản).

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 2Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một buổi giao lưu, ký tặng sách cho độc giả Hà Nội. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)
“Bơi” ra biển lớn
Năm 2016, các nhà quản lý, giới làm sách trong nước đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách và đưa các tác giả nước ngoài đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

Tiêu biểu, có thể kể đến sự góp mặt của Hiệp hội Xuất bản ASEAN và 20 đơn vị xuất bản nước ngoài uy tín (như Cambridge, Oxford - Anh, Copperath - Đức, Glanat - Pháp, Susseaeta - Tây Ban Nha, Graph-Art - Hungary, Japan UNI Agency, Frobel-kan - Nhật Bản…) tại Hội sách Hà Nội. Chương trình diễn ra từ ngày 6-10/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Sách và Hội nhập.”

Bên cạnh đó, nhiều tác giả nước ngoài đã đến giao lưu và ký tặng sách cho độc giả Việt Nam như nhà văn Éric-Emmanuel Schmitt (tên tuổi nổi bật của nền văn học Pháp đương đại, thành viên ban giám khảo giải Goncourt), nhà văn Hwang Sun-mi - tác giả tiêu biểu của văn học thiếu nhi Hàn Quốc…

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 3Hình ảnh tại khu trưng bày trong khuôn khổ hội sách. (Ảnh: A.N/Vietnam+)
Khi nghệ sỹ chắp bút
Sự xuất hiện của những cuốn hồi ký, tự truyện của các nghệ sỹ tài danh đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt của làng sách Việt trong năm 2016. Đó là tự truyện “Để gió cuốn đi” (ca sỹ Ái Vân), hồi ký “Sống cho người, sống cho mình” (nghệ sỹ nhân dân Kim Cương), tự truyện “Ngẫu hứng” (nhạc sỹ Trần Tiến)…

Độc giả tìm thấy ở đó những câu chuyện đời và chuyện nghề phía sau ánh đèn sân khấu của những nghệ sỹ nổi tiếng.

Nếu như những cuốn sách đó thu hút sự chú ý của nhiều độc giả trung niên và cao tuổi thì “Chuyện nhà Bông Bờm Bách” - cuốn sách của đạo diễn-diễn viên Trần Lực lại gây “sốt” trong giới trẻ, là một trong những tựa sách bán chạy nhất tại Hội sách Hà Nội 2016. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường nhật của gia đình tác giả.

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 4Nghệ sỹ Trần Lực - tác giả của "Chuyện nhà Bông Bờm Bách." (Ảnh: CTV)
Sự trở lại của sách cũ
Các hoạt động mua bán, trao đổi sách cũ (như “Không gian sách cũ,” “Đại hội sách cũ,” “Ngày hội trao đổi sách cũ,” “Chợ phiên sách cũ”…) được tổ chức thường xuyên trong năm 2016, tạo ra sân chơi, nơi kết nối những người yêu sách.

Không chỉ có vậy, những cuốn sách cũ còn được bố trí không gian riêng tại các hội chợ, triển lãm sách.

Tại những không gian này, độc giả có cơ hội tìm lại nhiều cuốn sách cổ (bản in từ giữa thế kỷ 20) như “Tuyển tập truyện Maxim Gorky” (bản in của Nhà xuất bản Văn Nghệ - 1956), “Người Xô Viết chúng tôi” (bản in của Nhà xuất bản Văn Nghệ - 1954),“Hoàng Hán y học” (bản in năm 1952), “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” (bản in năm 1956)…

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 5Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)


Lịch sử Việt qua góc nhìn của người Pháp
“Xứ Đông Dương” là một cuốn sách đặc biệt trước hết bởi đó là hồi ký của tác giả Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932). Cuốn sách được phát hành chính thức trên toàn quốc vào ngày 10/1.

“Đọc cuốn sách, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi cách viết của tác giả; đặc biệt, bạn sẽ khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ mà bạn chưa từng đọc được trước đó về giai đoạn lịch sử đầy biến động (cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20) của đất nước Việt Nam,” phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng (nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao) chia sẻ.

Nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của sách Việt trong năm 2016 ảnh 6Hình ảnh cuốn sách. (Ảnh: AB)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục