Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’

Mời độc giả cùng nhìn lại một loạt những vụ phá rừng gây chấn động trong vòng 5 năm qua và những câu chuyện “bí ẩn” đằng sau thực trạng đại ngàn…“đổ máu” xảy ra ở các địa phương trên cả nước.
Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’ ảnh 1Nói đến phá rừng, mất rừng, cán bộ tiếp tay cho phá rừng thì các tỉnh Tây Nguyên, kế tiếp là Miền Trung, Đông Bắc, Tây Bắc được nhắc đến nhiều nhất. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Để phục hồi rừng, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương trên cả nước phải đóng cửa rừng tự nhiên, thế nhưng từ khi có lệnh cấm đến nay, tình trạng lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn tiếp diễn. Thậm chí, nhiều nơi rừng bị tàn phá quá nhanh đã khiến hàng ngàn hécta rừng “bốc hơi” khó hiểu.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, sau nhiều tháng đi thực tế gần như khắp các tỉnh có rừng từ Bắc vào Nam, nhóm phóng viên VietnamPlus đã chứng kiến ít nhất gần 20 vụ phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ trái phép. Trong đó, những loại gỗ quý hiếm ở các rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị khai thác nhiều nhất.

Mời độc giả cùng nhìn lại một loạt những vụ phá rừng gây chấn động trong vòng 5 năm qua và những câu chuyện “bí ẩn” đằng sau thực trạng đại ngàn…“đổ máu.”

Lệnh cấm ban hành rồi, đại ngàn vẫn “đổ máu…”

Nói đến phá rừng, mất rừng, cán bộ tiếp tay cho phá rừng thì các tỉnh Tây Nguyên, kế tiếp là Miền Trung, Đông Bắc, Tây Bắc được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, rất nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng đã được báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý.

Chỉ riêng tại khu vực Tây Nguyên, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 6.034 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ, phát triển rừng , tăng 463 vụ so với năm 2014.

Một số hành vi vi phạm chủ yếu là: Phá rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để nhường chỗ cho những các công trình phát triển như thủy điện, giao thông, khai khoáng; khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật.

[Cận cảnh ‘nghĩa địa rừng tự nhiên’ dưới đáy hồ thủy điện ở Quảng Nam]

Hiện trường vụ việc chỉ nằm cách trạm quản lý, bảo vệ rừng số 2 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn hơn 1 km, nhưng chủ rừng lại ‘không phát hiện ra’ để ngăn chặn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền…

Trọng điểm khai thác gỗ trái phép tập trung chủ yểu tại các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh; các rừng đặc dụng.

Mới đây nhất, tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, vào các ngày 14 và 23/2/2018, gần 15 ha rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý đã bị phá trắng, đốt trụi. Sau khi phá, các đối tượng sử dụng máy cày để ủi đất để trồng cây nông nghiệp.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các ngành chức năng đã vào cuộc điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an huyện Đắk G’Long cũng đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan để điều tra về “Tội hủy hoại rừng” theo điều 243 Bộ Luật Hình sự.

Ngoài Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang cũng diễn ra tình trạng phá rừng tự nhiên là rừng gỗ lim cổ thụ, gỗ sau khi khai thác sẽ được vận chuyển ra khỏi rừng rồi buộc vào mạn thuyền để kéo theo lòng hồ thủy điện đến bãi tập kết, tiêu thụ.

Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng đã tổ chức 50 đợt kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Qua đó, phát hiện và lập biên bản đối với 42 vụ vi phạm; tạm giữ 1,880 m3 gỗ tròn, 16,391 m3 gỗ xẻ.

Đột kích sào huyệt các ‘điểm nóng’ phá rừng tự nhiên. (Video: Hùng Võ-Văn Hoàng/Vietnam+)

Trớ trêu người bảo vệ rừng lại là…lâm tặc

Rạng sáng 27/4/2018, Tổng cục Cảnh sát-Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông đã lại phát hiện và bắt giữ hai xe đang vận chuyển 40,2m3 gỗ không có giấy tờ hợp pháp. Khi khám xét bãi tập kết gỗ tại Đắk Nông, cơ quan chức năng đã phát hiện thuộc về một đối tượng có biệt danh “Phượng Râu”-chủ một cơ sở kinh doanh, buôn bán gỗ lớn nhất tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã bắt đối tượng “Phượng Râu” vào rạng sáng 28/4, khi đối tượng này đang chuẩn bị tẩu thoát…

Đáng buồn hơn cả là số gỗ thu giữ tại hiện trường sau đó đã được xác định do các đối tượng lâm tặc khai thác tại Vườn Quốc gia York Đôn, thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắc. Vụ phá rừng quy mô lớn này còn liên quan đến nhiều cán bộ địa phương, ngành kiểm lâm, biên phòng- chính những người làm chức năng giữ rừng, bảo vệ rừng.

Tại Bình Định, ngày 24.7, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo về tội hủy hoại rừng. Đây là vụ phá rừng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Bình Định, xảy ra tại xã An Hưng, huyện An Lão.

Tổng diện tích rừng bị phá 64,18 ha; trong đó có 25,87 ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31 ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20 m³, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là hơn 4,7 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ phá rừng này, cuối năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện An Lão; ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện. Ngoài ra, có 10 cán bộ kiểm lâm, kiểm lâm viên, cán bộ xã cũng bị kỷ luật do liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ phá rừng trên...

[Bất chấp lệnh đóng, rừng tự nhiên Bình Phước vẫn "chảy máu"]

Còn tại tỉnh Quảng Nam, địa phương đang có độ che phủ rừng lớn nhất nhì cả nước, từ đầu năm 2018 đến nay cũng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy lớn, gây xôn xao dư luận, khiến lãnh đạo tỉnh này phải viết “tâm thư” gửi toàn thể cán bộ kiểm lâm trên địa bàn, chấn chính công tác quản lý và xin từ chức nếu không đủ sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ.

Cụ thể, giữa tháng 3/2018, hàng chục cây rừng nguyên sinh bị chặt hạ nằm ngổn ngang giữa vùng lõi rừng phòng hộ Sông Kôn, thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 tiểu khu 41 (xã Tà Lu); khoảnh 1, 3 tiểu khu 140 (xã Zà Hung, huyện Đông Giang), nằm trong địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kiểm đếm tại hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung và 12 gốc thuộc Ủy ban Nhân dân xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn.

Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại tại vùng lõi phòng hộ Sông Koon khoảng 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường, còn lại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ (khối lượng 10,852m3), 8 phách gỗ xẻ (khối lượng 2,299m3)…

Trong khi vụ phá rừng trên đang gây xôn xao dư luận thì ngay sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết trong quá trình kiểm tra, Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung phát hiện một vụ phá rừng khác xảy ra tại khoảnh 1 và 3, thuộc tiểu khu 335 (địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang).

Tại khu vực này có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (trong đó có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235m3; trong đó gỗ lim xanh hơn 223m3 và gỗ xoan đào gần 12m3. Khối lượng gỗ còn tại hiện trường gần 126m3 gỗ tròn và gần 4m3 gỗ xẻ.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết Sở đã có quyết định cách chức đối với ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ phá rừng trái phép tại địa phận quản lý…

Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’ ảnh 2Sau lệnh ‘đóng cửa rừng’, vấn nạn ‘thảm sát đại ngàn’ vẫn tái diễn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Xẻ thịt” đại ngàn bất chấp hiểm họa

Trước đó, hồi tháng 7/2016, tỉnh Quảng Nam cũng để xảy ra một vụ phá rừng tại làm rúng động dư luận, hậu quả của vụ án nghiêm trọng này là rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị các bị can chặt hạ, cưa xẻ 37 cây gỗ pơmu (nhóm IIA) thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tổng khối lượng gỗ pơmu bị khai thác trái phép là 53,123 m3 với tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng.

Không kém phần nhức nhối, tại tỉnh Quảng Bình, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép cũng diễn ra với tần suất liên tục. Ngay từ những tháng đầu năm 2018, “lâm tặc” đã đưa máy móc vào rừng đốn hạ hàng loạt cây gỗ lớn nằm trong lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa.

Tại hiện trường, nhóm lâm tặc để lại 429 hộp gỗ với khối lượng gần 100 m3. Các loại gỗ thuộc nhóm II đến nhóm VII, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị như táu, dổi…Liên quan đến vụ việc này, đầu tháng 5/2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật 5 cán bộ do có những sai phạm trong công tác bảo vệ rừng.

Tại Hà Tĩnh, trong năm 2016 cũng xảy ra một vụ hủy hoại rừng với quy mô lớn. Cụ thể, từ tháng 2 đến tháng 4/2016, ông Phạm Lê Huân-Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Tâm đã thuê người chặt phá 41.400 m2 rừng tự nhiên được quy hoạch làm rừng sản xuất tại khoảnh 2,5a thuộc Tiểu khu 229 xã Phú Gia.

Hành vi chặt phá rừng của Phạm Lê Huân xảy ra trong nhiều tháng liền, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Đến ngày 10/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Lê Huân để điều tra về hành vi hủy hoại rừng.

[Yêu cầu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng làm rõ các vụ phá rừng trên địa bàn]

Ngược về các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi khi mùa mưa bão đến thường xuyên xảy ra các trận lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản của bà con. Đặc biệt là ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… một phần nguyên nhân dẫn đến thiên tại được các chuyên gia xác nhận rằng là bởi mất rừng.

Tuy nhiên, tại Hà Giang, hàng chục năm nay hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ phá rừng lớn, gây thiệt hại hàng trăm m3 gỗ trong rừng đặc dụng.

Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’ ảnh 3Nhiều vụ phá rừng trớ trêu người bảo vệ rừng lại là 'lâm tặc'. (Ảnh: Văn Hoàng/Vietnam+)

Mới đây nhất, theo báo cáo của lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang, từ ngày 2- 4/3/2018, cán bộ Trạm Kiểm lâm Hoàng Lỳ Pả (Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang) đã phát hiện 7 cây nghiến (thuộc loài gỗ quý hiếm nhóm IIA) bị các đối tượng đốn hạ trái phép, với khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 142,471 m3.

Trước đó vào các năm 2014, 2016, 2017, phóng viên VietnamPlus cũng đã có loạt bài phản ánh về tình trạng phá rừng nghiến cổ thụ tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Các vụ phá rừng xảy ra nhiều nhất là tại các thôn Hoàng Lỳ Pả, Phìn Sảng, Lùng Thiềng, Mã Hoàng Phì thuộc xã Minh Tân.

Cũng tương tự như Hà Giang, “người hàng xóm” Cao Bằng, những năm gần đây cũng thường xuyên diễn ra các vụ phá rừng gỗ nghiến ở các huyện Thông Nông, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, thậm chí hình thành lên một đường dây buôn gỗ lậu sang Trung Quốc.

Thông thường, gỗ sau khi khai thác thành những khúc dạng thớt, tấm ván, gỗ hộp…sẽ được vận chuyển ra khỏi rừng bằng cách dùng sức người vác, gùi, dùng hẳn tời bằng cáp giống như cáp treo để vận chuyển gỗ từ trong rừng đến nơi tập kết, tiêu thụ.

Tại tỉnh Bắc Kạn, tình trạng phá rừng cũng diễn biến phức tạp chẳng kém. Mới đây, hơn 13 ha rừng tự nhiên tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm đã bị chặt phá trái phép. Tổng diện tích rừng bị phát, phá là 10,909 hécta với 3.581 cây bị chặt hạ, khối lượng 623,121 m3. Đáng nói, 19 đảng viên là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã An Thắng, huyện Pác Nặm đã trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo người thân chặt phá rừng trái phép. Cả hệ thống chính quyền tại đây tê liệt.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Pác Nặm, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, thăm nắm thông tin có 25 hộ đã vi phạm phát, phá vào rừng sản xuất, thuộc trạng thái rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy. Các loài cây chủ yếu là Sau sau, Kháo, Mận rừng và một số loài ưa ánh sáng.

Tại tỉnh Điện Biên, dù lực lượng chức năng đã căng mình trong “cuộc chiến” giữ rừng, nhưng những năm qua, tình hình di dân, phá rừng làm nương rẫy ồ ạt tại huyện Mường Nhé vẫn tiếp diễn phức tạp, khiến hơn 500 héca rừng bị chặt hạ../.

Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’ ảnh 4Nạn phá rừng khai thác gỗ trái phép xảy ra ở cả nơi đượcmệnh danh là “giữ rừng tốt nhất của Tây Nguyên” tại tỉnh Kon Tum-khu vực đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Nhìn lại những vụ ‘thảm sát đại ngàn’ sau lệnh ‘đóng cửa rừng’ ảnh 5Rừng bị tàn phá làm nương rẫy. (Ảnh: Văn Hoàng/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục