Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội

Năm 2017 đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 70 ngày Thương binh-Liệt sỹ, trong đó việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng là thành quả nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.
1. 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ
Hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ đã đạt hiệu quả thiết thực và trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và một nét đẹp trong đời sống văn hóa Việt Nam, có tính giáo dục cao, góp phần chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng. Đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động đã tạo ra phong trào rộng khắp trong cả nước, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị từ Trung ương tới địa phương. Ngân sách Nhà nước đã dành tổng cộng hơn 1.392 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc ​người có công với cách mạng...

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
2. Giải quyết hàng nghìn hồ sơ người có công còn tồn đọng
Trên cơ sở kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó có 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt nhằm kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng.

Trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 Bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, công nhận vào trao bằng “Tốc quốc ghi công” cho hàng trăm gia đình liệt sỹ.

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 2Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
3. Xuất khẩu lao động tiếp tục lập kỷ lục
Năm nay, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục lập kỷ lục. Chỉ trong 11 tháng đã có gần 119.000 lao động đi làm việc nước ngoài. Dự kiến, sẽ có khoảng 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017, tăng 20% so với kế hoạch đặt ra.

Trung bình, mỗi tháng có hơn 10.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… tiếp tục là những thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 3Lao động làm thủ tục trước khi đi làm việc ở Hàn Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
4. Chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp
Theo sự phân công của Chính phủ, kể từ năm 2017, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường cao đẳng nghề, 583 trung cấp nghề. Đây được xem là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có tay nghề tham gia phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 4(Ảnh minh họa: TTXVN)
5. Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017
Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ 1/6/2017 đã quy định tổng quát về chính sách của nhà nước để bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và thông tin, truyền thông cho trẻ em.

Đặc biệt, Luật Trẻ em khi có hiệu lực đã quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính… và được áp dụng ngay trong các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra trong năm 2017.

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 5Các em học sinh đang đọc sách "Quyền trẻ em". (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy/TTXVN)
6. Ra mắt tổng đài bảo vệ trẻ em
Đầu tháng 12, tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 đã chính thức được kết nối trên cả nước. Tổng đài sẽ tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em và có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin, kịp thời có biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em miễn phí và kết nối 24/24 giờ.

Nhìn lại sự kiện nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ảnh 6(Ảnh: Bộ Lao động-thương binh và Xã hội)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục