Nhìn lại thế giới năm 2019: Sự phục hồi lặng lẽ của ASEAN

ASEAN đã nỗ lực vượt qua một năm khác đầy khó khăn, thách thức và lặng lẽ mang lại nhiều kết quả tích cực giúp cải thiện phúc lợi xã hội cho 650 triệu dân của khối này.
Nhìn lại thế giới năm 2019: Sự phục hồi lặng lẽ của ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: NST)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lẽ ra đã rạn nứt và chia rẽ bởi sự căng thẳng của cuộc cạnh tranh địa chính trị gia tăng ở châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu những gì các nhà phê bình nói về sự mong manh của nó là đúng. 

Tuy nhiên, ASEAN đã nỗ lực vượt qua một năm khác đầy khó khăn, thách thức và lặng lẽ mang lại nhiều kết quả tích cực giúp cải thiện phúc lợi xã hội cho 650 triệu dân của khối này. Điều quan trọng nhất là không xảy ra chiến tranh hay xung đột, thậm chí cũng không có những căng thẳng chính trị nghiêm trọng.

ASEAN đã không trải qua bất kỳ trận chiến trên không nào giống như trận chiến giữa Ấn Độ và Pakistan hồi tháng 2/2019 hay một cuộc tấn công quân lớn như cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia làm giảm 5% nguồn cung dầu lửa toàn cầu.

ASEAN kiên trì và lặng lẽ mang lại hòa bình cho một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, điều này không ai nói ra.

Các nền kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng vừa phải nhưng đều đặn. Vài năm trước, truyền thông phương Tây đưa tin rầm rộ rằng Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, không có những tin tức rầm rộ như vậy khi kết quả cho thấy ASEAN đã tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ trong năm 2019.

Cũng không có nhiều người biết rằng ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 3.000 tỷ USD.

Đáng chú ý hơn, ASEAN đã thực hiện một trong những hành động táo bạo nhất trong lịch sử kinh tế gần đây bằng cách tuyên bố họ đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)- khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. RCEP gồm 15 quốc gia thành viên chiếm 30% dân số thế giới và 29% GDP toàn cầu.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing đã nhận xét: “RCEP hơn cả một thỏa thuận kinh tế. Đó là một tín hiệu chiến lược cho phần còn lại của thế giới rằng khu vực này của châu Á tiếp tục tin tưởng vào việc duy trì một trật tự thương mại toàn cầu, đa phương."

Quyết định không gia nhập của Ấn Độ vào phút chót có thể làm đình trệ và phá vỡ tiến trình RCEP giống như tình trạng Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu). Thay vào đó, sự khôn ngoan của công thức “ASEAN trừ X” đã phát huy tác dụng một cách tuyệt vời.

ASEAN luôn tin rằng “sự hoàn hảo là kẻ thù của những điều tốt đẹp”. Nếu không phải tất cả các nước đều có thể tham gia, phần còn lại sẽ phải tiếp tục tiến lên phía trước. Ấn Độ sẽ nhận ra rằng chính sách “Hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” của nước này sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa gì nếu họ không gia nhập RCEP.

Việc hoàn tất RCEP đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN có thể sẽ bị tê liệt hoặc tan vỡ bởi sự ganh đua này do cuộc đấu giữa những thành viên ủng hộ Trung Quốc và những thành viên ủng hộ Mỹ trong ASEAN. Tuy nhiên, văn hóa thỏa hiệp và chủ nghĩa thực dụng đã thắng thế.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 31/5 rằng khu vực này sẽ không bị chia rẽ bởi các cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Ông nhấn mạnh rằng các sáng kiến hợp tác khu vực được các nước khác đề xuất “sẽ tăng cường các thỏa thuận hợp tác hiện tại vốn lấy ASEAN làm trung tâm. Các sáng kiến này sẽ không làm tổn hại đến các thỏa thuận hợp tác, tạo ra các khối thù địch, làm trầm trọng thêm các rạn nứt hoặc buộc các nước phải chọn bên. Chúng sẽ giúp các nước gắn kết hơn, thay vì chia rẽ."

Đáng chú ý, tổ chức này đã công bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của riêng mình do lo sợ rằng chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ có thể chia rẽ khu vực.

Tổng thống Indonesia Joko ‘Jokowi’ Widodo đã lập luận về sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN và xây dựng kết nối cũng như cơ sở hạ tầng giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là vào ngày 31/7/2019, Trung Quốc đã tiết lộ rằng ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành trước kế hoạch nội dung bản dự thảo đầu tiên của Bộ quy tác ứng xử (COC). Điều này đã được tuyên dương tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Bangkok hôm 3/11 vừa qua.

Trong khi Bắc Kinh tiếp tục can dự liên tục và ổn định với ASEAN thì Washington vẫn bị phân tâm bởi các vấn đề trong nước. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ở Bangkok hôm 4/11. Cả Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng không tham dự. Chỉ có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien xuất hiện.

Kết quả là chỉ có 3 trong số 10 nhà lãnh đạo ASEAN-Thái Lan, Việt Nam và Lào - tham dự. Washington cảm thấy khó chịu, nhưng theo một số chuyên gia, việc Mỹ bỏ lỡ các cuộc họp với ASEAN sẽ là một “món quà địa chính trị” cho Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tin rằng ASEAN sẽ trôi dạt vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ là một sai lầm. Trong nhưng năm qua, ASEAN đã tích lũy được “trí tuệ địa chính trị” một cách thầm lặng. Họ sẽ giữ cho tất cả các cánh cửa sổ mở và cũng tận dụng các cơ hội địa chính trị bất ngờ.

[Các nước ASEAN cần hội nhập với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài]

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Nước này đã trải qua các mối quan hệ đầy khó khăn với Trung Quốc vì liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vấn đề “phụ nữ mua vui” với Nhật Bản và tăng chi phí cho các căn cứ Mỹ tại nước này. Do đó, việc ASEAN tiếp cận gần gũi hơn với Hàn Quốc là điều thật ý nghĩa, nó được thể hiện qua một hội nghị thượng đỉnh cực kỳ thành công giữa ASEAN và Hàn Quốc ngày 26/11 vừa qua tại Busan.

Sự khôn ngoan và khả năng phục hồi mà ASEAN cho thấy một lần nữa trong năm 2019 phải mất nhiều năm để phát triển. Văn hóa musyawarah (tham vấn) và mufakat (đồng thuận) của Indonesia đã trở thành “gene di truyền” của ASEAN và đã được chứng minh là một tài sản lớn.

Có lẽ đã đến lúc các khu vực khác nên đến và nghiên cứu “phép màu” ASEAN. Việc sao chép ASEAN có thể là một cách tiếp cận hiệu quả cho các khu vực khác áp dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục