Nhìn lại tình hình thế giới 2020: Ai được, ai mất ở châu Á?

Tờ Japan Times đăng bài nhìn lại những được và mất ở châu Á trong năm qua của 2 tác giả Curtis S.Chin, Giám đốc công ty tư vấn RiverPeak và Jose B.Collazo, nhà phân tích và tư vấn dự án ở Đông Nam Á.
Nhìn lại tình hình thế giới 2020: Ai được, ai mất ở châu Á? ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 29/12 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo mạng tin japantimes.co.jp, chưa đầy 12 tháng kể từ khi virus Corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) lần đầu tiên được xác định ở Trung Quốc và sau đó lây lan ra toàn thế giới, khiến hơn 1,6 triệu người tử vong trên toàn cầu; trong đó bao gồm hơn 315.000 ca tử vong ở Mỹ và hơn 145.000 ca ở Ấn Độ, người ta bắt đầu hy vọng về một năm tốt đẹp hơn trong bối cảnh nhân loại đã đạt được tiến bộ chưa từng có về vắcxin và các phương pháp điều trị.

Tờ Japan Times mới đây đã đăng tải bài viết nhìn nhận lại những được và mất tại châu Á trong suốt một năm qua của hai tác giả Curtis S.Chin, Giám đốc công ty tư vấn RiverPeak và Jose B.Collazo, nhà phân tích và tư vấn dự án khu vực Đông Nam Á của công ty RiverPeak.

Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Năm tồi tệ nhất đối với những người nghèo khó nhất ở châu Á

Cũng như ở rất nhiều nơi khác, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở châu Á - những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị lãng quên ở khu vực này - là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Á đã phải hứng chịu cùng lúc 3 cú sốc: đại dịch, tác động kinh tế do phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, và cuộc suy thoái toàn cầu tiếp theo đó.

Trong bối cảnh ngành du lịch "lao dốc" và xuất khẩu bị suy yếu, nạn đói đã gia tăng, khả năng tiếp cận việc làm, công nghệ và giáo dục cũng bị thu hẹp. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán rằng COVID-19 có thể đẩy thêm 160 triệu người trên khắp châu Á rơi vào cảnh đói nghèo. WB cảnh báo tỷ lệ nghèo đói của khu vực sẽ lần đầu tiên tăng sau 20 năm.

Một năm buồn của WHO

Đáng lẽ 2020 phải là một năm để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏa sáng. Thay vào đó, cơ quan y tế chuyên trách của Liên hợp quốc và Tổng giám đốc của cơ quan này - Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia - đã rơi vào tình thế khó khăn khi đối mặt với những cáo buộc rằng họ không thể khiến Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cách xử lý đại dịch thiếu minh bạch.

Bị ràng buộc bởi các quy tắc quan liêu và cả nghi lễ ngoại giao, WHO gần như không thể lên tiếng khi Trung Quốc trì hoãn công bố thông tin, để mặc hàng triệu người dân rời khỏi Vũ Hán trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời đàn áp các nhà báo và những người tiết lộ thông tin.

[Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch trong dịp Năm mới]

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO, cáo buộc rằng Ghebreyesus và WHO làm “con rối” cho Trung Quốc. Mọi chuyện có thể sẽ đi theo chiều hướng khác khi Mỹ có chính quyền mới song năm 2020 rõ ràng là một năm tồi tệ đối với WHO nói chung và Ghebreyesus nói riêng.

Năm vừa tốt vừa xấu đối với Chủ tịch Tập Cận Bình và BRI

Những thành công ở trong nước cho đến nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và dập tắt làn song bất đồng chính kiến ở Hong Kong đã bị lu mờ phần nào bởi sự phản đối ngày càng tăng của các quốc gia bên ngoài trước Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) trong năm 2020.

Những tham vọng về kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô được khởi xướng vào năm 2013 nhằm kết nối khoảng 70 quốc gia với “Con đường Tơ lụa Mới,” gồm các cảng, đường sắt và đường cao tốc do Trung Quốc tài trợ, cùng nhiều dự án khác, ngày càng bị trì hoãn trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc vì dịch COVID-19 và xuất hiện những lo ngại về các khoản vay từ Trung Quốc.

Thực tế này càng rõ ràng vào cuối năm 2020, khi Australia thông qua luật mới cho phép Thủ tướng Scott Morrison quyền phủ quyết hoặc hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền các bang đạt được với nước ngoài, bao gồm cả dự án BRI ở bang Victoria.

Một cuộc khảo sát mà Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện tại 14 quốc gia trong năm 2020, bao gồm Australia, Mỹ và một số quốc gia châu Á và châu Âu, cho thấy thái độ của công luận nước ngoài đối với Trung Quốc hiện đã chạm một đáy mới.

Khoảng 78% số người được hỏi nói rằng họ rất ít hoặc thậm chí không tin tưởng Trung Quốc sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu, trong khi con số này năm 2019 chỉ là 61%.

Năm tốt lành đối với những "gã khổng lồ" thương mại điện tử của châu Á

Không chỉ có Amazon của Mỹ mà một loạt các "gã khổng lồ" thương mại điện tử của châu Á cũng nhận thấy năm 2020 là một năm thực sự “tốt đẹp.”

Thương mại điện tử ở châu Á đã phát triển tốt trước khi dịch COVID-19 bùng phát. GoJek của Indonesia và Grab của Singapore từ lâu đã thiết lập những nền tảng thanh toán kỹ thuật số vận hành trơn tru.

Đại dịch COVID-19 bùng phát càng khích lệ mạnh mẽ hơn tốc độ phổ biến hóa thương mại điện tử khi các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng - từ Ấn Độ tới Nhật Bản - đặc biệt ưu tiên sử dụng hình thức mua bán trực tuyến.

Các "gã khổng lồ" thương mại điện tử của Trung Quốc là Alibaba và JD.com đã đạt mức doanh thu kỷ lục 115 tỷ USD chỉ trong một ngày.

Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company dự đoán thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ vượt qua mức 100 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 38 tỷ USD hồi năm 2019. Đây là tin tốt trên toàn châu Á đối với các nền tảng thương mại điện tử như Tokopedia, Taobao, Shopee, Shopify, Lazada, Bukalapak và Sendo.

Nhìn lại tình hình thế giới 2020: Ai được, ai mất ở châu Á? ảnh 2Biểu tượng Google. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan trọng hơn, nó cũng có thể báo hiệu nhiều năm tốt lành sắp tới khi người tiêu dùng xây dựng các thói quen kỹ thuật số mới, từ công nghệ tài chính đến công nghệ thông tin và viễn thông trong y học.

Năm tuyệt vời đối với Thái Anh Văn và Jacinda Ardern

Cả hai người phụ nữ này đều giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch tái tranh cử năm nay, nhưng đó không phải là tất cả những điểm chung giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Hai nhà lãnh đạo này đã chỉ đạo công tác chống dịch COVID-19, triển khai thực hiện các biện pháp phong tỏa chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đồng thời vẫn khéo léo xử lý hiệu quả trước sự cứng rắn của Trung Quốc.

Vào giữa tháng 12, Đài Loan với dân số khoảng 24 triệu người, đã báo cáo chỉ có 759 ca mắc COVID-19 và 7 trường hợp tử vong. New Zealand với dân số khoảng 5 triệu người ghi nhận 2.110 ca mắc và 25 ca tử vong.

Nữ Thủ tướng New Zealand vẫn giữ được sự bình tĩnh ngay cả khi xảy ra một trận động đất đúng thời điểm bà đang tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp và tiếp tục dẫn dắt đất nước tiến lên giữa những lo ngại dai dẳng về biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố.

Khi nói đến các con số kinh tế, Tổng thống Thái Anh Văn cùng người dân cũng như các doanh nghiệp của Đài Loan có thể là một hình mẫu cho tất cả. Chiến dịch "Taiwan can help" ("Đài Loan có thể giúp đỡ") đã tìm cách biến thành công của hòn đảo này trong cuộc chiến chống COVID-19 thành lợi ích địa chính trị.

Vào giữa tháng 12 này, tăng trưởng kinh tế năm nay của Đài Loan dường như đã lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ vượt qua phần lớn châu Á, bao gồm cả Trung Quốc Đại lục - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Xét cho cùng, tại châu Á, 2020 là năm tốt đẹp nhất đối với một bộ đôi năng động gồm các nữ lãnh đạo quyết đoán, những người đang mở đường cho một năm tốt đẹp hơn ở phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục