Nhìn lại VietGAP sau 6 năm: Nhiều bất cập và khó khăn cho nông dân

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đã ban hành được 6 năm, song còn nhiều bất cập do có nhiều tiêu chí kiểm soát và nông dân phải ghi chép nhật ký chăm sóc phức tạp.
Nhìn lại VietGAP sau 6 năm: Nhiều bất cập và khó khăn cho nông dân ảnh 1Sản xuất rau sạch tại Hợp tác xã rau an toàn Phước Hậu huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Phạm Thị Bình/TTXVN)

VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và ban hành từ ngày 28/1/2008. Mặc dù, tiêu chuẩn này đã ban hành được 6 năm, song vẫn còn nhiều bất cập và khó nhân rộng do có nhiều tiêu chí kiểm soát và nông dân phải ghi chép nhật ký chăm sóc phức tạp.

Đó là một trong những nội dung vừa được đề cập đến tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm năm 2014-Giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng nông sản Việt Nam,” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với nhóm các nhà tài trợ (ISG) tổ chức ngày hôm nay (12/11), tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn dàn, ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án “Sinh kế nông thôn bền vững” tại Bình Định cho rằng VietGAP được ban hành như một tiêu chuẩn tự nguyện để thực hành nông nghiệp tốt, song có đến 65 tiêu chí kiểm soát, đảm bảo truy xuất nguồn gốc với sổ tay ghi chép nhật ký sản xuất cho người sản xuất thực hiện, trong đó khá nhiều chỉ tiêu, bảng biểu phức tạp.

“Hơn nữa, việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP phải thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng. Vì vậy, chỉ một số ít cơ sở sản xuất liên kết với doanh nghiệp và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm mới chứng nhận, hoặc các dự án hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sản xuất chứng nhận thì họ mới chứng nhận. Nhìn chung sản phẩm áp dụng theo tiêu chí VietGAP chủ yếu là hướng tới xuất khẩu, chưa phục vụ được nhu cầu tiêu dùng nội địa,” ông Ngô Tùng Thu phân tích.

Theo ông Ngô Tùng Thu, hiện chênh lệch “cung-cầu” đối với các sản phẩm an toàn vẫn còn khoảng cách khá xa, ngoài khâu sản xuất đảm bảo các tiêu chí thì việc quản lý các chứng chỉ cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế nên tâm lý người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại khi lựa chọn phân biệt các sản phẩm.

Trước thực tế đó, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng, để các sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP đến với người tiêu dùng, các đơn vị liên quan cần xây dựng quy trình thẩm định và quản lý thị trường cho các sản phẩm an toàn thông qua việc củng cố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, xử phạt... đồng thời có những chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn trên quy mô lớn cùng với đó, tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm an toàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định rõ thị trường là cơ sở chính để cải thiện chất lượng, nhà nước với vai trò hỗ trợ, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giống cây trồng địa phương, phân bón, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho biết, triển khai chương trình quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện bộ khung pháp lý, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật canh tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, các đơn vị cơ sở cần tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm đồng thời tuyên truyền về các sản phẩm nông sản an toàn hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục