Nhìn từ AFC Cup: Bóng đá Việt Nam và giới hạn châu lục

Những thất bại liên tiếp của các đại diện Việt Nam ở AFC Cup đã giúp người hâm mộ có một hình dung rõ ràng hơn về sức mạnh của bóng đá Việt ở đấu trường lục địa.

Nhìn từ AFC Cup: Bóng đá Việt Nam và giới hạn châu lục ảnh 1Hoàng Vũ Samson (áo vàng) là cầu thủ hiếm hoi của Hà Nội T&T đối đầu sòng phẳng được với những gã to cao bên phía Arbil. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Những thất bại liên tiếp của các đại diện Việt Nam ở AFC Cup đã giúp người hâm mộ có một hình dung rõ ràng hơn về sức mạnh của bóng đá Việt ở đấu trường lục địa.

Tứ kết lượt đi AFC Cup 2014, hai đại diện của bóng đá Việt Nam cùng bại trận ở sân nhà. Nếu trận đấu của Vissai Ninh Bình mang nhiều ý nghĩa về danh dự thì trận đấu của Hà Nội T&T cho ta một thước đo chuẩn nhất về trình độ của bóng đá Việt Nam ở sân chơi châu lục.

Năm 2008, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đưa ra những quy định mới về điều kiện tham dự AFC Champions League. Không câu lạc bộ nào của nước ta đạt chuẩn. Kể từ đó, bóng đá Việt Nam bắt đầu phải làm quen với giải đấu hạng thấp AFC Cup.

Năm 2009, Becamex Bình Dương và Hòa Phát Hà Nội là hai đại diện Việt Nam đầu tiên thi đấu ở AFC Cup. Nếu như Hòa Phát Hà Nội không thể hiện được gì nhiều khi bị loại ngay từ vòng bảng thì Bình Dương lại để lại dấu ấn đậm nét khi lọt vào đến bán kết và trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam làm được điều đó.

Sau Bình Dương, những ông lớn của bóng đá Việt Nam cũng thi đấu khá tốt ở AFC Cup. Trong quá khứ, SHB Đà Nẵng vào đến tứ kết (2010), Sông Lam Nghệ An vào đến vòng 1/8 (2011). Hiện tại, Hà Nội T&T và Vissai Ninh Bình đều đã vào đến tứ kết. Nhưng cả hai đang đứng trước viễn cảnh bị loại khi đều thất bại ở trận lượt đi trên sân nhà.

Có nhiều người cảm thấy tiếc nuối, giá như Hà Nội T&T và Vissai Ninh Bình đổi đối thủ cho nhau thì mọi thứ đã khác. Á quân V-League có tiềm lực, có khát khao mạnh mẽ ở AFC Cup. Nếu gặp Kitchee, họ sẽ có cơ hội lớn để đi tiếp. Trong khi đó,một Vissai Ninh Bình thi đấu vì danh dự và trách nhiệm với VFF (để bóng đá Việt Nam không bị phạt) sẽ ít khát khao hơn hẳn.

Nhìn từ AFC Cup: Bóng đá Việt Nam và giới hạn châu lục ảnh 2Vissai Ninh Bình cũng chơi tốt ở vòng bảng AFC Cup nhưng vụ bê bối tiêu cực đã làm ảnh hưởng tới họ. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Đó chỉ là mong ước sau một tiếng thở dài. Thực tế, việc Hà Nội T&T chạm trán một đối thủ như Arbil giúp chúng ta nhận ra trình độ thực của bóng đá Việt Nam ở cấp độ câu lạc bộ. Đội bóng đến từ Tây Á vượt trội về kỹ thuật, thể hình, kiểm soát trận đấu và có nhiều cơ hội nguy hiểm hơn hẳn chủ nhà. Đoàn quân mạnh nhất nhì V-League đã thi đấu lép vế trước đối thủ chỉ đá một trận chính thức trong suốt hai tháng (vì bất ổn chính trị).

Cơ hội để Hà Nội T&T tiến vào bán kết là rất thấp. Lịch sử đối đầu của các đội bóng Việt với những đối thủ Trung Đông tại AFC Cup cũng chống lại Hà Nội T&T. Năm 2009, Bình Dương gục ngã ở bán kết trước Kerama của Syria. Năm 2010, SHB Đà Nẵng bị Al Ariffa của Bahrain vùi dập với tỷ số 3-8 sau hai lượt trận tứ kết.

Không những vậy, nếu AFC Champions League là sân chơi riêng của các đội bóng Đông Á khi khu vực này giành 4/5 chức vô địch gần đây thì AFC Cup lại là sân khấu của các đội bóng đến từ Tây Á. Từ năm 2004 đến nay, tất cả các nhà vô địch đều đến từ Tây Á. Có quá ít cơ hội cho Á quân V-League trước Arbil.

Mùa giải tới, bóng đá Việt Nam sẽ lại được hít thở không khí AFC Champions League. Đó chắc chắn là một tin vui cho bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ cần phải suy nghĩ. Năm năm tham dự đấu trường hàng đầu của châu Á, các đại diện Việt Nam chưa giành nổi một trận thắng.

Không phải chúng ta yếu mà mặt bằng chung ở đó cao hơn hẳn so với bóng đá Việt Nam. Khoảng cách với sân chơi châu lục vẫn là quá xa vời.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục