Nhìn từ U23 Việt Nam: Ai công bằng với ông Miura?

Trong cơn khát thành tích dai dẳng suốt hàng thập kỷ, để cứu rỗi nền bóng đá vốn đang tồn tại quá nhiều bất cập, trong giấc mơ đau đáu về ngày đánh bại Thái Lan, chúng ta đã quá vội vã.
Nhìn từ U23 Việt Nam: Ai công bằng với ông Miura? ảnh 1Lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt U23 Việt Nam dự SEA Games 2017 là đi ngược lại với triết lý của huấn luyện viên Toshiya Miura. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Trong cơn khát thành tích dai dẳng suốt hàng thập kỷ, để cứu rỗi nền bóng đá vốn đang tồn tại quá nhiều bất cập, trong giấc mơ đau đáu về ngày đánh bại Thái Lan, chúng ta (cụ thể là lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF) đã tỏ ra quá vội vã.

1. Hình ảnh dưới kia là đội hình tuyển Tây Ban Nha vô địch EURO 2008. 4/11 vị trí của đội hình này trưởng thành từ Barcelona (Xavi, Iniesta, Fabregas và Puyol). Bảy vị trí còn lại là những cầu thủ Real Madrid, Liverpool, Valencia...

Sử dụng nòng cốt là các cầu thủ Barcelona, áp dụng phong cách nhỏ, ngắn, kỹ thuật của Barcelona nhưng Tây Ban Nha không phải là phiên bản mở rộng của đội bóng xứ Catalunya. Người Tây Ban Nha hiểu rằng lò đào tạo xuất sắc nhất của họ cũng có điểm yếu, có những điều chưa hoàn thiện.

Việc xây dựng đội tuyển quốc gia cũng phải là trách nhiệm của cả nền bóng đá, được tạo nên bởi sự đoàn kết của cả dân tộc, bất chấp những xung đột nội bộ giữa từng đội bóng. Xavi, Casillas hay các cầu thủ Tây Ban Nha khác đều đã từng lên tiếng bảo vệ nhau dù họ thuộc hai đội bóng không đội trời chung là Barca và Real.

Bài học Tây Ban Nha làm chúng ta nhớ tới bối cảnh bóng đá Việt Nam.

Nhìn từ U23 Việt Nam: Ai công bằng với ông Miura? ảnh 2Tây Ban Nha vô địch EURO 2008 chỉ có 4/11 cầu thủ Barcelona trong đội hình xuất phát. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

2. Những thông tin bên lề Hội nghị Ban chấp hành VFF khẳng định lứa U21 Hoàng Anh Gia Lai vừa vô địch giải U21 quốc tế sẽ được lựa chọn làm nòng cốt đội hình U23 Việt Nam hướng tới SEA Games 2017.

Lựa chọn ấy của VFF cũng đồng nghĩa với tờ lệnh sa thải dành cho huấn luyện viên Miura vì ai cũng biết phong cách của ông Miura trái ngược với triết lý Hoàng Anh Gia Lai. Lựa chọn ấy là cú đánh mạnh vào thế hệ 1995 + 1997 - những người sẽ không còn cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho những suất lên U23 Việt Nam. Lựa chọn ấy đặt toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam trở thành thứ yếu bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai. Lựa chọn ấy chia đôi nền bóng đá thành hai phe: Hoàng Anh Gia Lai và phần còn lại.

Nghịch lý nằm ở chỗ: phần còn lại mới là phe đa số, mới là hình ảnh đại diện thực sự của nền bóng đá.

Nhìn cái cách một vị đương kim Phó chủ tịch VFF chỉ trích huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, chúng ta thấy nền bóng đá này không hề đoàn kết. Nhìn cái cách một doanh nghiệp ra điều kiện tài trợ dựa trên “số phận” của huấn luyện viên trưởng, chúng ta thấy bóng đá thật yếu thế. Nhìn cái cách đồng tiền quyết định tương lai của đội tuyển quốc gia, chúng ta thấy đau lòng.

Không ai chỉ trích quyết định chọn U21 Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt tham dự SEA Games 2017 vì lịch sử bóng đá đã ghi nhận rất nhiều đội tuyển quốc gia làm như vậy.  Tuyển Đức với nòng cốt là Bayern Munich, tuyển Anh với nòng cốt là Manchester United hay Italy với nòng cốt Juventus là những ví dụ.

Nhưng cái cách U21 Hoàng Anh Gia Lai “lên ngôi” khiến những người yêu bóng đá thấy đau lòng.

Nhìn từ U23 Việt Nam: Ai công bằng với ông Miura? ảnh 3Lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai là con cưng của bầu Đức và được tài trợ trực tiếp bởi Nutifood - tập đoàn được cho là đã đưa điều kiện tài trợ "khủng" cho tuyển Việt Nam. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

3. Cách làm ấy không công bằng với các cầu thủ trẻ khác. Vì họ thậm chí sẽ không còn cơ hội được cạnh tranh công bằng cho tấm áo đội tuyển thiêng liêng. Cách làm ấy không công bằng với các lò đào tạo trẻ khác, vì giờ họ chỉ là con tốt trên bàn cờ mà Hoàng Anh Gia Lai là quân hậu, quân xe... Lựa chọn ấy không công bằng với chính lứa Công Phượng, Tuấn Anh. Vì họ là những người đàn ông. Và đàn ông sẽ luôn muốn những cuộc đấu sòng phẳng, công bằng - tức là mọi đối thủ đều phải có cơ hội chiến thắng ngang nhau khi tiếng còi khai trận vang lên.

Cách làm ấy không công bằng với huấn luyện viên Miura. Vì người ta sẽ tước mất ông quyền quan trọng nhất của huấn luyện viên trưởng: lựa chọn đội hình.

Giữa lúc U23 Việt Nam đang chuẩn bị cho chiến dịch quan trọng nhất, lãnh đạo VFF đã dội một gáo nước lạnh lên sự chuẩn bị của toàn đội tuyển. Họ sẽ nói gì với ông Miura? Rằng vài tháng nữa ông sẽ bị sa thải, rằng triết lý của ông không phù hợp với tương lai của bóng đá Việt Nam, rằng ông sẽ phải lựa chọn cầu thủ theo ý kiến của lãnh đạo Liên đoàn. Họ sẽ nói gì với các cầu thủ? Rằng các anh chỉ là vai phụ cho “những đứa trẻ của bầu Đức”, rằng cùng một đội tuyển, một màu áo, một quốc kỳ nhưng sự đối xử sẽ không giống nhau. Khi những thông tin này được truyền tới U23 Việt Nam, liệu các cầu thủ còn có thể tập trung thi đấu?

Rõ ràng, VFF có thể chờ chiến dịch U23 châu Á kết thúc trước khi công khai những quyết định này.

Đó là một đòn đau với người đã giúp đội tuyển Việt Nam lấy lại sự tôn trọng trên bản đồ khu vực, với người đã giúp U23 Việt Nam hủy diệt Iran, cầm hòa Iraq, chơi những trận cầu tuyệt vời trước Malaysia và Myanmar...

Nhìn từ U23 Việt Nam: Ai công bằng với ông Miura? ảnh 4Thành công ở giải U21 quốc tế 2015 của lứa Tuấn Anh, Công Phượng là nền tảng để bầu Đức kêu gọi dùng U21 Hoàng Anh Gia Lai làm nòng cốt cho tuyển U23. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

4. Lựa chọn Hoàng Anh Gia Lai và bảo vệ thế hệ Công Phượng, chúng ta có tàn phá một thế hệ khác? Lựa chọn triết lý bóng đá đẹp, chúng ta sẵn sàng hy sinh huấn luyện viên tốt nhất của tuyển Việt Nam từ năm 2009.

Trong cơn khát thành tích dai dẳng suốt hàng thập kỷ, để cứu rỗi nền bóng đá vốn đang tồn tại quá nhiều bất cấp, trong giấc mơ đau đáu về ngày đánh bại Thái Lan, chúng ta (cụ thể là lãnh đạo VFF) đã tỏ ra quá vội vã.

Lựa chọn của VFF có thể mang tới thành công cho U23 Việt Nam ở SEA Games hay không vẫn là một câu hỏi. Nhưng ngay từ lúc này, hình hài một đội tuyển đoàn kết, là tập hợp sức mạnh của cả nền bóng đá đã trở nên xa vời. Để xây dựng một đội tuyển “đẹp”, chúng ta bắt đầu bằng những hành động không hề “đẹp” với những cầu thủ, những huấn luyện viên đang “sống chết” vì đội tuyển.

Nếu U23 Việt Nam vô địch SEA Games 2017, chúng ta sẽ nói thế nào với con cháu mình? Rằng chiến thắng của nền bóng đá này được bắt đầu bằng lòng vị kỷ của một cá nhân, sự thiếu tôn trọng của các nhà lãnh đạo và những hy sinh từ một thế hệ?/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục