Nhờ đâu Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu nối chuỗi cung ứng toàn cầu

The Straits Times đưa tin, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm nổi bật những nguy cơ liên quan đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

The Straits Times đưa tin, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm nổi bật những nguy cơ liên quan đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, những rủi ro đó không khiến nhiều nhà sản xuất nước ngoài “nao núng,” bởi công xưởng của thế giới này vẫn có nhiều sức hấp dẫn.

Rủi ro của sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất

Mới đây, công ty quản lý trang mạng bán xe đạp trực tuyến Performance Bicycle của Mỹ đã gửi thư đến khách hàng để giải thích việc công ty gặp khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời các đơn hàng một phần do doanh số tăng mạnh.

Khi các biện pháp giãn cách xã hội được ban hành trên toàn nước Mỹ từ tháng Ba vừa qua để kiềm chế sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hầu hết người dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua hàng trực tuyến. Điều này dẫn đến sự tăng mạnh số đơn đặt hàng trên trang mạng.

Do thiếu người làm bởi nhiều nhân viên không thể đến nơi làm việc, nhà bán lẻ trực tuyến này đã không thể giao hàng trong khung thời gian thông thường. Và ngay cả khi công ty này có thuê thêm nhân viên thời gian giao hàng lại bị tác động bởi một vấn đề khác. Đó là thiếu hàng bởi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến nhà máy bị đóng cửa.

Công ty này cho biết mặc dù chỉ một phần trong số các sản phẩm của công ty có liên quan trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng nhiều bộ phận hay linh kiện dựa vào nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và điều đó khiến công ty khó kiếm đủ lượng hàng để đáp ứng nhu cầu.

Vấn đề thiếu hụt sản phẩm của một cửa hàng xe đạp ở Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh này cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ với tư cách là nhà lắp ráp mà còn với tư cách nhà sản xuất các sản phẩm trung gian.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit Rajiv Biswas lưu ý, Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã thiết lập được vị trí của mình là “công xưởng của thế giới.”

Nước này đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu toàn cầu về một loạt sản phẩm từ nguyên vật liệu công nghiệp, hàng hóa trung gian cho đến các sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu trong nhiều lĩnh vực; trong đó có hàng dệt may, linh kiện điện tử và sản phẩm kỹ thuật.

Quả thật, Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu trên thế giới và chiếm 28% sản lượng toàn cầu. Nhiều nước, đặc biệt là châu Á, dựa vào hàng hóa trung gian của Trung Quốc. Các nước châu Á nhập khẩu trung bình 29% sản phẩm trung gian từ Trung Quốc. Đối với Mỹ, con số này là 10%.

[Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là lựa chọn quá sức cho Mỹ?]

Tuy nhiên, trên toàn thế giới, rất nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn đề tương tự như Performance Bicycle. Tình trạng này dẫn đến cái mà nhiều nhà phân tích mô tả là “lời thúc giục” các doanh nghiệp đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trên thực tế, quá trình đa dạng hóa này đã và đang diễn ra trong thập kỷ qua. Lương công nhân nhà máy tăng đã dẫn đến việc nhiều công ty dần chuyển các cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng của một số ngành hàng có chi phí thấp như dệt may và linh kiện điện tử rời khỏi Trung Quốc.

Tiến trình này đã tăng tốc vào năm ngoái do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Những sự gián đoạn lớn về chuỗi cung ứng nảy sinh từ việc đóng cửa nhà máy do dịch bệnh sẽ làm gia tăng sức ép buộc các công ty phải đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại và đại dịch COVID-19 là hồi chuông thức tỉnh đối với các công ty quốc tế.

Một số chính phủ đã bắt đầu hành động, trợ giúp các công ty của họ rút hoạt động khỏi Trung Quốc. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty của nước này chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các hãng sản xuất ôtô của Nhật Bản đã phải cắt giảm sản lượng trong tháng Hai do các nhà máy của Trung Quốc bị tác động bởi COVID-19 không thể cung cấp phụ tùng cần thiết. Mỹ đang thăm dò những sáng kiến về thuế và các khoản trợ cấp để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Vì sao doanh nghiệp vẫn “ở lại”?

Tuy nhiên, các biện pháp khích lệ này khó có khả năng lôi kéo thêm nhiều công ty ngoài những doanh nghiệp vốn đã có quyết định di dời từ trước. Điều này là do các khoản trợ cấp có thể bị rút lại vào những thời điểm chính phủ buộc phải áp dụng các chính sách khắc khổ tài chính.

Đối với các công ty, điều quan trọng hơn là các yếu tố như tiền lương, kỹ năng của lực lượng lao động và chính sách nới lỏng trong kinh doanh và với những công ty hướng tới việc bán hàng trong nước, nhân tố quan trọng nữa là quy mô và tăng trưởng của thị trường.

Quả thực, các cuộc khảo sát của các nhóm kinh doanh cho thấy hầu hết các công ty nước ngoài không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc do dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó, nhiều công ty đang tìm kiếm các cách thức khác để tăng cường khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng của họ. Có nhiều lý do giải thích cho điều này.

Đánh giá về hai cuộc khảo sát được tiến hành gần đây, ông Alan Beebe, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China), cho biết trái ngược với một số nhận định, khảo sát tại Trung Quốc cho thấy đa số các công ty (Mỹ) sẽ không rời khỏi Trung Quốc trong tương lai gần.

AmCham China cùng với Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (AmCham Shanghai) đã tiến hành hai cuộc khảo sát vào tháng 10/2019 và vào tháng Ba vừa qua nghiên cứu về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch bệnh COVID-19 đối với chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Nhờ đâu Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu nối chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1Hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác được bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khảo sát đầu tiên, được thực hiện với 70 công ty, cho thấy chưa đến 20% các công ty đã bắt đầu chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc trước đó hai năm để giảm bớt tác động tiêu cực của việc tăng thuế quan. Mặc dù có đến 90% số công ty nói rằng các chuỗi cung ứng của họ bị tác động bởi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Thay vì di chuyển cơ sở sản xuất, hầu hết các công ty đã tập trung vào cải thiện hoạt động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc. Các công ty này cũng gia tăng thực hiện chiến lược chuỗi cung ứng “tại Trung Quốc, cho Trung Quốc” nhằm đáp ứng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc.

Cuộc khảo sát thứ hai tiến hành đối với 25 công ty của nhóm khảo sát ban đầu, cho thấy trong ngắn hạn, hơn 70% số công ty không có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do dịch COVID-19. Chỉ 12% doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sản xuất trong khi 24% có kế hoạch chuyển hoạt động gia công ra khỏi Trung Quốc.

Ông Beebe cho rằng trong khi một số công ty trong một số ngành có thể đa dạng hóa nhà cung cấp và rời khỏi Trung Quốc hoặc thậm chí có thể mở rộng các hoạt động sản xuất ở Mỹ, nhưng đây là một quá trình tốn kém và mất thời gian.

Chủ tịch Phòng thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, ông Joerg Wuttke, cho biết một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ 10% số công ty của châu Âu xem xét việc rời khỏi Trung Quốc do dịch bệnh COVID-19, trong khi 10% khác lại cân nhắc việc tăng cường sản xuất ở Trung Quốc.

Việc Trung Quốc dẫn đầu sự hồi phục kinh tế từ tình trạng tê liệt sản xuất do dịch bệnh trên toàn cầu dường như đã góp phần làm giảm bớt ý định rời khỏi Trung Quốc của các công ty.

Chuyên gia ngân hàng OCBC cho rằng các công ty đa quốc gia có thể cảm thấy may mắn khi các nhà máy của họ ở Trung Quốc là những nhà máy duy nhất vẫn còn hoạt động trong tháng Tư vừa qua. Một lý do nữa khiến các công ty ở lại Trung Quốc là nước này là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân.

Ông Wuttke chỉ rõ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã thực sự khiến hãng sản xuất ôtô của Đức BMW và Mercedes-Benz phải mở rộng sản xuất dòng xe tính năng thể thao (SUV) ở Trung Quốc bởi mức thuế bổ sung đã làm cho các sản phẩm SUV của họ được sản xuất ở Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh.

Ông nói: “Cái giữ chân chúng tôi ở lại đây là tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc là rất lớn. Ông lưu ý rằng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc gần 10.000 USD, chỉ bằng 16% của Mỹ và 21% của Đức, điều đó nghĩa là có rất nhiều không gian cho tăng trưởng."

Ngoài tiềm năng thị trường khổng lồ, Trung Quốc còn có những trung tâm chế tạo sản xuất hùng mạnh, cơ sở hạ tầng tốt, lực lượng lao động tay nghề cao hơn so với một số quốc gia Đông Nam Á.

Nhờ đâu Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu nối chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 2Thị trường ôtô dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng giảm. (Nguồn: Reuters)

Trong khi chi phí sản xuất tại một số khu vực của Trung Quốc trở nên tốn kém thì những khu vực kém phát triển hơn như Trịnh Châu, Trùng Khánh, Thành Đô và Tây An vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có khả năng vượt trội trong việc cung cấp các sản phẩm đầu vào cụ thể trên quy mô rất lớn mà không một nước đơn lẻ nào có thể cung cấp được.

Do những lợi thế này và những khó khăn trong việc di chuyển chuỗi cung ứng, một số công ty đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc+1,” nghĩa là chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa, chứ không phải di dời toàn bộ.

Vai trò “đầu nối” khó thay đổi

Điều không thể phủ nhận là xu hướng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra khi chi phí gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch bệnh COVID-19. Xu hướng này còn được khuyến khích bởi chính Trung Quốc khi nước này tìm cách tiến lên chuỗi giá trị và cải thiện môi trường tại các thành phố. Như một số nhà phân tích chỉ rõ, xu hướng tiến tới sản xuất sạch hơn, cần ít không gian hơn vốn đang rất cần thiết đối với nước này.

Các chính phủ khác cũng sẽ thúc đẩy sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp vì lý do an ninh, đồng thời thúc đẩy xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất hàng hóa thiết yếu như dược phẩm trở lại trong nước.

Một số công ty sẽ chuyển sản xuất sang các nước khác ở châu Á để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang làm như vậy. Khu vực hóa là xu hướng mà Trung Quốc sẽ theo đuổi. Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cần những người bạn, và khu vực châu Á là lựa chọn đầu tiên bởi quy mô thị trường tiềm năng và số lượng lao động lành nghề lớn ở khu vực này.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận xét, kết quả của những xu hướng gần đây sẽ dẫn đến một mạng lưới chuỗi cung ứng châu Á ít tập trung vào Trung Quốc hơn và đa dạng hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở các khu vực khác. Vì vậy sẽ có những chuỗi cung ứng khu vực gần như độc lập, đem lại cho các công ty toàn cầu khả năng phòng ngừa trước những cú sốc trong tương lai đối với mạng lưới của họ.

Chuyên gia kinh tế Alicia Garcia-Herrero đã phát biểu trong một hội thảo trực tuyến gần đây rằng: “Thế giới đang dịch chuyển tới một số đầu nối trong các chuỗi giá trị toàn cầu ở các lục địa khác nhau” và Trung Quốc sẽ là một đầu nối quan trọng nhưng không phải là duy nhất.

Khi điều này diễn ra - về lâu dài, các chuỗi cung ứng khó có thể thiết lập và di chuyển - Trung Quốc không cần quá lo lắng nếu nước này thực hiện những cải cách kinh tế mà Bắc Kinh đã cam kết thực hiện sau khi dịch bệnh qua đi, trong đó có các biện pháp tăng cường tính cơ động của lao động di cư và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc sẽ vẫn là một bên tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như viễn thông, robot và trí tuệ nhân tạo. Và nước này cần phải chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu hiện nay sang một nền kinh tế có động lực là tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục