Nhớ về Tháng Tám mùa Thu lịch sử nghe lại những ca khúc nổi tiếng

Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam không hiếm bài hát viết về mùa Thu. Dễ hiểu bởi mùa Thu của bốn mùa và của Đất Trời đã trở thành mùa Thu thi hứng khi chứng kiến sự kiện lịch sử 19/8-2/9/1945.
Nhớ về Tháng Tám mùa Thu lịch sử nghe lại những ca khúc nổi tiếng ảnh 1Sáng 19/8/1945, lực lượng Việt Minh và nhân dân Thủ đô đánh chiếm cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Những dấu mốc lịch sử oanh liệt của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, để từ đó những thế hệ sau có những tác phẩm thi ca bất hủ, đi cùng năm tháng.

Trong âm nhạc cũng vậy, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam không hiếm bài hát viết về mùa Thu Hà Nội. Dễ hiểu bởi mùa Thu của bốn mùa và của Đất Trời đã trở thành mùa Thu thi hứng của người nghệ sỹ khi chứng kiến sự kiện lịch sử: Cách mạng tháng Tám và ngày 2/9/1945.

Ca khúc “Mười chín tháng Tám”

Mỗi dịp 19/8, mọi ngả đường ngõ ngách đều vang lên ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sỹ Xuân Oanh lại vang lên, gợi nhắc về trang sử oanh liệt của dân tộc - Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung

Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới

Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn.”

Tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam hát ca khúc 'Mười chín tháng Tám' của nhạc sỹ Xuân Oanh

Trong những câu chuyện sau này kể lại, ca khúc này được nhạc sỹ Xuân Oanh sáng tác khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Chính thời khắc lịch sử đã giúp người nghệ sỹ có những tác phẩm để đời. Hòa cùng dòng người nô nức mừng thắng lợi, nhạc sỹ Xuân oanh vừa đi vừa ghi lại giai điệu trên những mảnh báo cũ. Cứ thế, xúc cảm òa ra thấm thía và xúc động, viết đến đâu ông lại hát vang đến đó và cả dòng người cứ thế hát theo ông.

Tên bài hát cũng là câu chuyện vô cùng thú vị. Chỉ vì trong cơn “bí” tên mà bài hát có tên gọi bất hủ “Mười chín tháng Tám.”

Để rồi, chiều 19/8/1945, bài hát in ở một hiệu sách và được hát tốp ca phát trên sóng phát thanh trở thành khúc hùng ca về ngày mùa Thu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đến hôm nay, sau 71 năm, ca khúc “Mười chín tháng Tám”vẫn là bản hùng ca bất hủ của thời đại không thể thay thế, mãi mãi âm vang đi cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên phía trước.

Ca khúc “Tiến quân ca”

Cũng được nhạc sỹ Văn Cao viết ra trong thời khắc lịch sử mà tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Tên bài hát và lời ca khúc “Tiến quân ca” được cho là là sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó.

71 năm về trước, vào ngày 19/8/1945, bản hành khúc ấn tượng nhất của nhạc sỹ Văn Cao - “Tiến quân ca” - đã vang lên trên khắp mọi ngả đường của Thủ đô. Lúc sinh thời, nhạc sỹ Văn Cao đã kể lại những kỷ niệm của buổi hôm đó: “Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn.”

Dự án MV 'Tiến quân ca' cộng đồng với sự tham gia của 300 nghệ sỹ.

Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc “Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca cũng đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc “Tiến quân ca” của Văn Cao.

Sau 71 năm với bao biến thiên, thăng trầm của thời cuộc, "Tiến quân ca" vẫn là quốc ca hào hùng không thể thay thế của dân tộc Việt Nam ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào và phát huy tinh thần đoàn kết.

Không chỉ được cất vang trong các sự kiện trọng đại, "Tiến quân ca" còn là lựa chọn đầu tiên như lời hiệu triệu, kết nối hàng triệu trái tim người dân Việt Nam trong thời bình hướng về đất nước.

Ca khúc "Hà Nội mùa thu"

“Hà Nội mùa Thu” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của cố nhạc sỹ Vũ Thanh. Lời ca da diết mang nỗi nhớ khắc khoải về mùa thu lịch sử "năm ấy" được thể hiện qua từng câu hát đi vào lòng người.

"... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình..."

Ca khúc này được hát với hình ảnh nữ ca sỹ Thùy Dung duyên dáng bên cây đàn piano trong ngôi nhà cổ, được coi là một trong những hình ảnh khó phai trong tâm trí người hâm mộ.

Dẫu là một bản tình ca với giai điệu toát lên vị ngọt ngào, vẻ dìu dặt, mê say chỉ có trong tình yêu chỉ có trong kho tàng âm nhạc truyền thống và ca khúc cách mạng “Hà Nội mùa Thu” mang ý nghĩa như sự gợi nhớ về sức sống mãnh liệt của Hà Nội từng phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội "vẫn ngát xanh, xanh mùa thu..."

'Hà Nội mùa Thu' trong tiếng hát của ca sỹ Thùy Dung

Cho đến hôm nay, "Hà Nội mùa Thu" của Vũ Thanh đã đọng lại trong trái tim người nghe, bền vững và mãnh liệt, dai dẳng và tha thiết.

Mùa Thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa vĩnh hằng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Mùa thu ngày hôm nay không còn khói lửa đạm bom của ngày hôm qua mà lắng đọng suy tư, thanh bình, bâng khuâng, xao xuyến.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục