Nhọc nhằn đàm phán giá bán điện

Tiếp theo Nhà máy điện Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Nhà máy nhiệt điện Sơn Động do Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư cũng đang rơi vào tình thế "dở khóc dở cười" khi chưa thể ký hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tiếp theo Nhà máy điện Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Nhà máy nhiệt điện Sơn Động do Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư cũng đang rơi vào tình thế "dở khóc dở cười" khi chưa thể ký hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong khi đó, thời điểm phát điện thương mại chỉ còn hơn một tháng nữa và mùa khô - mùa thiếu điện - cũng đang đến rất gần.

"Bế tắc" về giá

Đây là kết cục của hầu hết các cuộc đàm phán giá phát điện (giá bán điện của các nhà đầu tư cho EVN) kéo dài hàng năm trời giữa EVN với các chủ đầu tư bên ngoài, trong đó có PVN và TKV. Mặc dù điện là hàng hóa đặc biệt nhưng cơ chế mua bán lại giống như các loại hàng hóa thông thường và chỉ do EVN và các chủ đầu tư tự thỏa thuận với nhau. Thêm vào đó, tình trạng đầu tư trước, đàm phán giá sau (trái với thông lệ quốc tế) như hiện nay đã tạo ra khó khăn lớn đối với cả bên mua duy nhất là EVN lẫn các bên bán.

Theo đại diện của Công ty Mua bán điện EVN (EPTC), đến thời điểm này, do không có cơ sở pháp lý cụ thể nào hướng dẫn giá phát điện nên EPTC chỉ còn cách dựa vào chi phí để đàm phán giá với các chủ đầu tư.

Sau hơn 1 năm đàm phán, EVN và TKV chỉ đạt được thống nhất trên nguyên tắc giá điện Sơn Động gồm 2 thành phần chi phí cố định và chi phí nhiên liệu biến đổi khi giá than được điều chỉnh. Tuy nhiên, mức giá cụ thể lại "bế tắc".

Giá điện Sơn Động được EVN đề xuất là 678 đồng/kWh tương ứng với "lãi" của toàn bộ dự án để hoàn vốn nội tại (FIRR) bằng 10%. Trong khi đó, với vốn đầu tư khoảng 3.533 tỷ đồng và giá than cho Sơn Động được tính toán bằng giá than bán cho các nhà máy điện của EVN, TKV đã đề nghị mức 710 đồng/kWh, tương ứng với FIRR bằng 12% để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.

Đại diện EPTC cho biết lo ngại lớn nhất của EVN chính là giá phát điện trong tương lai sẽ không thể kiểm soát được khi giá than bán cho các hộ tiêu thụ được thả nổi theo thị trường sau năm 2010.

Về phía TKV, Trưởng ban Kế hoạch Nguyễn Văn Biên lo lắng các cuộc đàm phán giá điện hiện nay chỉ có một bên mua duy nhất với nhiều bên bán, trong khi cơ chế mua bán điện lại không có do vậy dẫn đến tình trạng các cuộc đàm phán giá điện thường kéo dài mà không đi đến kết quả cuối cùng; khi có tranh chấp cũng không có cơ quan quản lý nào đứng ra làm "trọng tài" phân xử.

Lại chờ cấp trên

Theo ông Biên, trong điều kiện cung vẫn thấp hơn cầu như hiện nay, nhiệm vụ quan trọng số 1 là phải đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế. Hợp đồng phát điện nếu không ký được sẽ chuyển lên Bộ Công thương và Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, để gỡ bế tắc hiện nay cần sớm ban hành khung giá phát điện cụ thể áp dụng đối với từng loại hình nhà máy điện. Khi đó, các bên sẽ có cơ sở rõ ràng để đàm phán; nhà đầu tư cũng có tín hiệu giá để tính toán hiệu quả kinh tế khi đầu tư vào xây dựng nhà máy điện.

Đồng quan điểm này, đại diện EPTC cũng cho rằng việc sớm ban hành một khung giá phát điện cụ thể dựa trên một định mức chuẩn về chi phí sẽ giúp các nhà đầu tư nâng cao ý thức cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất điện. Khi đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng.

Hiện EPTC vẫn phải tiến hành đàm phán giá với các chủ đầu tư của các dự án nhà máy nhiệt điện Kiên Lương, Tân Tạo… Quá trình đàm phán này còn phức tạp hơn nhiều bởi nhiên liệu than cho các nhà máy này được nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp móc nối với nhau đẩy giá than lên cao, giá phát điện sẽ "trên trời" trong khi EPTC lại không có một công cụ nào để kiểm soát giá than nhập khẩu.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo tình trạng đàm phán không có cơ chế minh bạch như hiện nay và cuối cùng lại chờ Chính phủ là cực kỳ bất cập bởi Chính phủ sẽ không thể "đủ tay" để phân xử những tranh chấp phát sinh khi các dự án nhà máy điện nằm trong Quy hoạch điện VI được triển khai xây dựng rầm rộ.

Khó khăn, bất cập trong đàm phán giá điện hiện nay đã được các bên gửi văn bản báo cáo, đề nghị lên Bộ Công thương nhiều lần nhưng đã hàng năm qua, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục