Nhóm Bộ tứ có mang lại đòn bẩy cho Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc?

Có sự đồng thuận đáng kể giữa các đảng phái về chính sách đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với hòa bình của Mỹ.
Nhóm Bộ tứ có mang lại đòn bẩy cho Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reuters.com)

Theo tờ Foreign Policy, Nhóm Bộ tứ (Quad) sẽ không mang lại cho Mỹ bất kỳ đòn bẩy nào trong mối quan hệ với Trung Quốc so với những gì mà Washington đã có và điều này có thể đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao hơn bao giờ hết.

Chính trị Mỹ có thể siêu phân cực, song lại có sự đồng thuận đáng kể giữa các đảng phái về chính sách đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với hòa bình của Mỹ.

Nhận thức chung về Trung Quốc

Thượng nghị sỹ Tom Cotton của đảng Cộng Hòa đã cảnh báo rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và hoạt động xây dựng quân đội của Trung Quốc phản ánh tham vọng này. Đây cũng là ý kiến của các chính trị gia đảng Cộng hòa như Ted Cruz, Nikki Haley, Mitt Romney và Marco Rubio.

Mặc dù cánh hữu có thể chỉ trích Đảng Dân chủ mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu tập hợp các đồng minh của Mỹ ở châu Á là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để chống lại Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay từ trước khi nhậm chức và ông đã không bỏ cuộc.

Các biện pháp kinh tế trừng phạt của Tổng thống Biden - trong đó có các lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào 59 công ty Trung Quốc - là sự tiếp nối người tiền nhiệm Donald Trump.

Hồi tháng Năm, Kurt Campbell, điều phối viên đặc trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia, tuyên bố rằng “thời kỳ can dự đã kết thúc.”

Trong tất cả những điều này, ông Biden đang đồng hành cùng đảng của mình. Các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết Bắc Kinh đang tìm kiếm “sự thống trị toàn cầu” và một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện đã chỉ trích cộng đồng tình báo vì đã không nghiêm túc xem xét thách thức từ Trung Quốc.

[Hội nghị G7 có phải là khởi đầu cho Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung]

Trong khi đó, Đạo luật về cạnh tranh và đổi mới trị giá 250 tỷ USD do Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer bảo trợ là một kế hoạch kiềm chế Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.

Một khía cạnh cụ thể trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc xóa nhòa sự khác biệt Trump-Biden là việc tăng cường Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ tứ Quad). Quy tụ Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, Quad xuất hiện vào năm 2007 như “đứa con tinh thần” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Hội nghị thượng đỉnh vào tháng Ba vừa qua đã kết thúc bằng một tuyên bố chung.

Sau cuộc gặp này, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công du Đông Bắc Á để duy trì động lực của Quad. Bộ trưởng Austin đã tới thăm Ấn Độ trong hành trình của mình. Các quan chức Trung Quốc đã ngay lập tức chỉ trích Quad là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và thậm chí cảnh báo các nước nhỏ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Bangladesh, không được hợp tác với nhóm này. Lời lẽ chủ yếu lặp lại thông điệp được Bắc Kinh đưa ra cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào mùa Thu năm ngoái.

Vai trò mờ nhạt của Quad

Trong khi đó, sự xuất hiện của Quad không làm Bắc Kinh ngạc nhiên. Các cường quốc đang lên thường khơi dậy các liên minh đối kháng và sự lo lắng chung có thể góp phần gắn kết họ. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu.

Trong số các thành viên của Quad, chỉ có Mỹ có thể duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể, mạnh mẽ và lâu dài ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Quân đội Mỹ có khả năng dự phóng sức mạnh, có sự hỗ trợ trên không và trên biển, các tàu nổi và tàu ngầm cũng như các căn cứ trong khu vực để hỗ trợ răn đe và chiến đấu.

Nếu xảy ra một cuộc đụng độ phi hạt nhân với Trung Quốc - điều không ai mong muốn - Mỹ có thể giành chiến thắng, hoặc ít nhất là kết thúc chiến tranh với những điều kiện có lợi.

Nhưng ngay cả khi Mỹ có thể chiếm chút ít ưu thế, trong vài thập kỷ qua Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã có được sức mạnh cần thiết để đảm bảo Mỹ phải trả giá trong trường hợp chiến tranh xảy ra và xu hướng này sẽ tiếp tục.

Mỹ sẽ vẫn là một đối thủ đáng gờm đối với Trung Quốc, nhưng câu hỏi là phần còn lại của Quad có thể mang lại những gì? Nói một cách không cường điệu là không nhiều.

Ví dụ, theo phép đo quyền lực tiêu chuẩn, dân số của Ấn Độ gần bằng Trung Quốc và sẽ sớm vượt qua nước này vì có tỷ lệ sinh cao hơn. Mặc dù quy mô dân số có thể là một tài sản, song nhiều thứ phụ thuộc vào nguồn vốn con người.

Thật không may cho Ấn Độ, ở điểm số này, Trung Quốc vượt xa hầu hết các thước đo, từ tuổi thọ, trình độ học vấn, kỹ năng kỹ thuật đến tiêu thụ calo và sức khỏe.

Tương tự, lĩnh vực công nghệ cũng có khoảng cách ngày càng tăng. Không chỉ GDP của Trung Quốc cao gấp 4 lần Ấn Độ, Bắc Kinh còn dành 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển công nghệ so với mức 0,7% của Ấn Độ. Về nghiên cứu và phát triển của tư nhân, của chính phủ và của các cơ sở đào tạo đại học, Ấn Độ chi gần 48 tỷ USD mỗi năm và có 156 nhà nghiên cứu trên 1 triệu dân.

Trong khi đó, con số tương ứng của Trung Quốc là 346 tỷ USD và 1.089 triệu nhà nghiên cứu. So sánh hai quốc gia trong lĩnh vực Internet; chất lượng đào tạo và cơ sở hạ tầng và thành tựu trong các công nghệ tiên tiến (như robot, trí tuệ nhân tạo, 5G và siêu máy tính - trong đó Trung Quốc có số lượng gần gấp đôi so với Mỹ), lợi thế vượt trội của Trung Quốc càng trở nên rõ ràng hơn.

Những khác biệt này giúp giải thích lợi thế rõ ràng của Trung Quốc so với Ấn Độ trong việc dự phóng sức mạnh và chất lượng vũ khí cũng như các hệ thống trinh sát, thu thập mục tiêu và chiến tranh mạng. Và do ưu thế tổng thể về công nghệ và ngân sách quân sự lớn hơn gần 4 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc sẽ duy trì và thậm chí sẽ gia tăng cách biệt.

Hơn nữa, quân đội Ấn Độ phải vượt hơn 2.350 hải lý để tới Biển Đông trong khi quân đội Trung Quốc đang chế ngự vùng biên giới phía Bắc rộng lớn của Ấn Độ. Vì vậy, thật khó để hình dung chính xác cách Ấn Độ có thể giúp Mỹ ngăn chặn, chứ chưa nói đến việc đánh bại Trung Quốc.

Có lẽ không quốc gia hay vùng lãnh thổ Đông Á nào, ngoại trừ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn Nhật Bản, xuất phát từ những lý do lịch sử và địa lý rõ ràng.

Tuy nhiên, Nhật Bản có một số lợi thế lớn so với Ấn Độ. Mặc dù GDP của Nhật Bản chưa bằng 40% của Trung Quốc, song nước này vẫn đứng thứ ba thế giới và cao hơn Trung Quốc 2,5 lần về GDP bình quân đầu người.

Chất lượng nguồn nhân lực của Nhật Bản rất cao và đây cũng là cường quốc công nghệ hàng đầu với nguồn lao động lành nghề và chuyên môn khoa học rộng lớn.

Tương tự về quân sự, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có công nghệ tiên tiến và các đánh giá quan trọng kết luận rằng các cơ sở công nghiệp quốc phòng tinh vi của nước này đang sản xuất các loại vũ khí công nghệ cao đẳng cấp thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang chi nhiều gấp 5 lần cho PLA - lực lượng có nhiều vũ khí cần thiết hơn để thành công trong chiến tranh. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng đã không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa quân đội và dù Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng trong 9 năm liên tiếp, chi tiêu quân sự của nước này vẫn chưa đạt 1% GDP trong gần 60 năm qua.

Về nguyên tắc, Tokyo có thể đưa ra quyết định chính trị nhằm tăng mạnh tỷ trọng này, song không có bằng chứng về bất kỳ động thái nào như vậy trong tương lai.

Trong khi đó, Australia - thành viên thứ tư của Quad - cũng không thể thực sự củng cố Nhóm Bộ tứ. Hải quân Australia phải vượt hơn 3.000 hải lý để tới Biển Đông và thêm 500 hải lý nữa để tới Đài Loan.

Một khi hiện diện tại các địa điểm này, họ sẽ phải đối mặt với các tên lửa, tàu ngầm và chiến đấu cơ của Trung Quốc, cũng như các hoạt động của Bắc Kinh nhằm cắt đứt các tuyến đường trên biển cung ứng cho các lực lượng Australia.

Có lẽ thật sai lầm khi đánh giá Quad theo các thuật ngữ quân sự thuần túy. Xét cho cùng, chiến lược không chỉ dựa vào sức mạnh. Tuy nhiên, một cái nhìn rộng lớn hơn không làm thay đổi bức tranh tổng thể.

Nếu Quad cũng là quan hệ đối tác chính trị nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Á, thì chính xác các thành viên sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó và sự phân công lao động sẽ như thế nào?

Có lẽ các đối tác Quad của Mỹ có thể giúp gây áp lực kinh tế lên Bắc Kinh, song do sự phụ thuộc của họ vào thương mại và đầu tư của Trung Quốc cũng như khả năng bị trả đũa, khó có thể thấy họ làm điều đó, ngoại trừ một cách từ từ và tế nhị.

Australia - với 39% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc so với chưa tới 4% sang Mỹ - đã trải qua một cú sốc như vậy sau khi cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia các dự án 5G, chỉ trích hành vi của Bắc Kinh ở Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương, và kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19.

Trung Quốc đã áp các đợt tăng thuế trong nhiều năm đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia, bao gồm rượu vang (hơn 200%) và lúa mạch (80%).

Ngoài ra, xuất khẩu tôm hùm đá - trong đó 96% sang Trung Quốc - đã bị ngừng do các cuộc kiểm tra; một số nhà sản xuất thịt đã phải đóng cửa; trong khi các tàu chở than không dỡ được hàng và bị mắc kẹt trong nhiều tháng. Australia không khuất phục, song Bắc Kinh không mong đợi điều đó. Mục tiêu của Trung Quốc là gửi thông điệp không chỉ cho Canberra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục