Nhóm chuyên gia WHO, ECDC tới Italy hỗ trợ công tác phòng dịch

Theo thông tin WHO có được, giới chức y tế Italy đang thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn dịch như đóng cửa trường học, nhà hàng, hủy các sự kiện thể thao và tránh tụ tập nơi đông người.
Khách thăm quan đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại quảng trường del Duomo, Milan, Italy ngày 24/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khách thăm quan đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại quảng trường del Duomo, Milan, Italy ngày 24/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 24/2 đã tới Italy để hỗ trợ giới chức Italy hiểu rõ về tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại quốc gia Nam Âu này.

Trong tuyên bố trên truyền thông, WHO nêu rõ trong giai đoạn hiện nay, việc hạn chế các ca nhiễm chéo sẽ phải được ưu tiên.

Theo WHO, kể từ ngày 21/2, Italy đã báo cáo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh và kết quả cuộc điều tra ban đầu của giới chức nước này đã cho thấy một số nhóm tại nhiều vùng khác nhau ở miền Bắc Italy, đã cho thấy sự lây nhiễm cục bộ.

Tuy nhiên, WHO cho rằng dựa vào những số liệu hiện nay, đa số các ca nhiễm, hoặc 4 trong số 5 người nhiễm chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện nhiễm dịch.

Theo thông tin WHO có được, giới chức y tế Italy đang thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn dịch như đóng cửa trường học, nhà hàng, hủy các sự kiện thể thao và tránh tụ tập nơi đông người.

Tiến sỹ Hán Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho biết: "COVID-19 là một chủng virus mới mà chúng ta cần coi là nghiêm trọng. Nhiệm vụ tại Italy là một trong những cách mà WHO/châu Âu đang hỗ trợ các nước trong khắp khu vực. Chúng tôi đang nỗ lực với các nước thành viên nhằm đảm bảo rằng họ sẵn sàng đối phó với COVID-19, chuẩn bị cho các ca nhiễm cục bộ có thể xảy ra."

Trong khi đó, giới chức Italy kêu gọ bình tĩnh trong bối cảnh các ca nhiễm mới được ghi nhận đã giảm sau khi tăng đột biến trong tuần trước.

[Một số quốc gia khuyến cáo người dân không nên tới Italy]

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 24/2, Giám đốc cơ quan bảo vệ dân sự Angelo Borelli cho biết số ca nhiễm ghi nhận tại nước này hiện là 229 ca.

Nhiều ngân hàng đầu tư, trong đó có Citigroup Inc, Credit Suisse và Nomura Holdings Inc cũng đã hạn chế các chuyến đi đến Italy do lo ngại rằng sự bùng phát dịch COVID-19 ở miền Bắc nước này có thể nhanh chóng lan ra khắp châu Âu.

Một nguồn tin giấu tên cho hay Citigroup đã yêu cầu các nhân viên dự định đến trung tâm tài chính Milan và các thành phố phía Bắc khác của Italy hoãn các chuyến công tác hoặc phải được quản lý cấp cao chấp thuận nếu họ đang phụ trách các thương vụ quan trọng.

Ngân hàng Credit Suisse cũng đã thông báo các nhân viên sắp đi đến và từ phía Bắc Italy, trong đó có các sân bay ở Milan và Bologna sẽ phải xin giấy phép bổ sung. Credit Suisse cũng khuyến khích các nhân viên ở Italy làm việc ở nhà và sắp xếp các cuộc gọi với khách hàng thay vì gặp mặt trực tiếp.

Nomura lại có những biện pháp mạnh mẽ hơn, khi đưa tất cả các nước có người tử vong do dịch COVID-19 vào "danh sách đen," trong đó có Italy và Pháp, đồng thời cấm nhân viên đến các nước này. Ngân hàng của Nhật Bản này cũng yêu cầu các nhân viên làm việc ở Milan và Paris không sắp xếp các chuyến đi để gặp khách hàng ở nước ngoài.

Hai ngân hàng có trụ sở ở Milan là Mediobanca và UniCredit cũng đã cấm tất cả các chuyến đi không cần thiết, cả trong và ngoài Italy. UniCredit còn yêu cầu các nhân viên sống gần các vùng bị ảnh hưởng nhất ở miền Bắc Italy làm việc ở nhà.

Trước lo ngại về tình hình di chuyển khó khăn của người dân Italy, trong cuộc họp ngày 24/2 giữa Thủ tướng Giuseppe Conte, các Bộ trưởng và Cơ quan Bảo vệ dân sư, Chính phủ Italy đã đề xuất một cuộc họp với các Bộ trưởng Y tế của các nước lân cận để chia sẻ hành động chung trong ứng phó dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục