Nhóm G-7 ủng hộ thỏa thuận về biến đổi khí hậu năm 2015

Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đã bày tỏ ủng hộ thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, dự kiến được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020.
Nhóm G-7 ủng hộ thỏa thuận về biến đổi khí hậu năm 2015 ảnh 1Những tuabin gió tại vịnh Bangui, tỉnh Ilocos Norte, miền bắc Phillipine. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) ngày 5/6 đã bày tỏ ủng hộ thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020, sau những cam kết của Mỹ hồi đầu tuần về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trong thông cáo sau hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo G-7 thể hiện quyết tâm nhằm thông qua thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu toàn cầu vào năm 2015, nêu rõ thỏa thuận này đầy tham vọng và đầy đủ, phản ánh được tình hình thế giới đang thay đổi.

Các quốc gia G-7, bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, vẫn duy trì cam kết một nền kinh tế cácbon thấp và giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp, giới hạn mà các nhà khoa học cho là có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

G-7 nêu rõ sẽ trao đổi về các khoản đóng góp của từng nước trước khi diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21), dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp) trong quý đầu năm sau.

Liên quan đến vấn đề năng lượng, các nước G-7 bày tỏ quan ngại cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đặc biệt là nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu.

G-7 cam kết hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) với những nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng của khu vực, cũng như những nỗ lực của Ủy ban châu Âu (EC) để phát triển các kế hoạch năng lượng khẩn cấp trong giai đoạn 2014-2015.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo G-7 tại Brussels, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho rằng hai vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu liên quan chặt chẽ với nhau.

Nhiều nước EU cho rằng các nguồn năng lượng nội địa có thể tái tạo, như gió và năng lượng Mặt trời, có thể giảm nhu cầu nhập nhiên liệu hóa thạch từ các nước như Nga.

Hồi đầu tuần, Mỹ đã công bố kế hoạch đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy hiện có so với mức năm 2005.

Trước đó, năm 2009, Mỹ đề ra mục tiêu quốc gia cắt giảm 17% phát thải khí CO2 đến năm 2020 so với mức năm 2005, tương đương 3,5% dưới mức năm 1990 - năm bản lề của Liên hợp quốc, sau khi phát thải khí CO2 giảm mạnh vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục