Nhóm G-7 chưa tìm hướng đi cho kinh tế thế giới

Hội nghị nhóm G-7 đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu, hiệu quả của chính sách tiền tệ cũng như vai trò nhóm trong kinh tế hiện nay.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7), diễn ra ngày 3/10, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị này gồm Anh, Đức, Canada, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Pháp, tập trung đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu, hiệu quả của các chính sách tiền tệ cũng như vai trò của G-7 trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cũng tham dự.

Tuyên bố sau khi bế mạc hội nghị nhận định rằng kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi, song chưa phải lúc để có thể thỏa mãn; các biện pháp kích thích kinh tế cần được duy trì cho đến khi đảm bảo một sự phục hồi chắc chắn.

Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G-7 cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng sự tăng trưởng đã có dấu hiệu trở lại, song cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc do tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và khu vực tài chính vẫn yếu.

Tuyên bố cũng cảnh báo về tình trạng bất ổn tiền tệ hiện nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đồng USD mạnh cũng như tỷ giá hối đoái linh hoạt của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Hội nghị hoan nghênh cam kết của Trung Quốc tiếp tục có những bước đi nhằm bảo đảm một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn của đồng nhân dân tệ vì điều đó sẽ giúp định giá đồng nhân dân tệ một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng cân bằng hơn của kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế thế giới.

Đồng thời, hội nghị đề nghị Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD, song đề nghị trên không nhận được sự hưởng ứng từ Bắc Kinh khi Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang, hiện cũng đang ở Istanbul tham dự hội nghị của IMF, khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục chính sách hối đoái theo hướng đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế trong nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết Washington sẽ nỗ lực nhằm khôi phục sự tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới, đồng thời cam kết bảo đảm đồng USD mạnh, do giá trị của đồng USD đã giảm 12% kể từ tháng 3 vừa qua.

Về vai trò của G-7, nhiều đại biểu cho rằng nhóm này cần thay đổi vai trò trong việc chi phối việc hoạch định chính sách kinh tế thế giới trong bối cảnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đang đi đầu trong các nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Theo các nhà quan sát, kết quả hội nghị ở Istanbul chứng tỏ G-7 không còn khả năng giải quyết các vấn đề của thế giới mà không có sự hợp tác từ các nền kinh tế đang nổi lên, trong đó có Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục