Nhóm nước nghèo ra yêu sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Nhóm V20 đòi phải đưa vào văn kiện đàm phán các yêu sách của họ với mục tiêu cụ thể: sản xuất 100% năng lượng tái tạo và chấm dứt thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2050.
Nhóm nước nghèo ra yêu sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ảnh 1 Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu tại Hội nghị COP21 ở thủ đô Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP21) đã bước sang ngày thứ hai tại Le Bourget, ngoại ô Paris.

Sau diễn văn của các nguyên thủ, đại diện 195 nước bắt đầu đàm phán một thỏa thuận chung với mục tiêu giới hạn nhiệt độ địa cầu không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

Tuy nhiên, liên minh 20 nước nghèo đa số ở châu Á, châu Phi và Thái Bình Dương, gọi tắt là V20, yêu cầu giới hạn ở mức 1,5 độ C.

Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân dẫn đến đề nghị này là do nhóm V20, trong đó có Việt Nam, Philippines, Ethiopia, Kenya, Costa Rica và các đảo quốc như Tavalu, Vanuatu…, là những nước được cho là chịu tác động nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ngày 30/11, sau diễn văn khai mạc, nhóm V20 đòi phải đưa vào văn kiện đàm phán các yêu sách của họ với mục tiêu cụ thể: sản xuất 100% năng lượng tái tạo và chấm dứt thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2050.

Tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES) phải hạ xuống mức 0, theo như thông cáo chung của V20.

V20 cũng thẩm định cần được quốc tế trợ giúp 20 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để đối phó với thiên tai.

Văn kiện làm cơ sở thương thuyết dày 50 trang có chia rõ thành từng chương ấn định mục tiêu lâu dài như giảm khí thải CO2, tài trợ các nước nghèo, cơ chế kiểm soát cam kết của các nước giàu.

Tuy nhiên, mức độ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu khí..), trình độ phát triển của quốc gia tác động đến lập trường của phái đoàn thương thuyết.

Các đảo quốc đang ở trong tình trạng “nguy ngập” đòi hỏi các biện pháp mạnh và khẩn cấp trong khi các vương quốc dầu hỏa hay những nước có trữ lượng than đá dồi dào khó mà chấp nhận những nhượng bộ bất lợi cho mình.

Đông Nam Á được dự báo là một trong những nơi phải đối mặt với những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu trong vòng 30-50 năm tới, tác động đáng kể tới nền kinh tế khu vực và cuộc sống của người dân nơi đây.

Theo đánh giá của tổ chức phân tích Global Risk Insight, sự nóng lên toàn cầu sẽ tác động đáng kể đến khả năng lao động và năng suất của khu vực Đông Nam Á từ năm 2045.

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Singapore và Malaysia với dự báo giảm năng suất lên đến 25%.

Tình trạng giảm năng suất tiếp tục tác động đến các nước khác trong khu vực như Indonesia ở mức 21%, Campuchia và Philippines là 16%, Thái Lan và Việt Nam ở mức 12%.

Ngành nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do những điều kiện khí hậu khắc nghiệt như như lũ lụt, hạn hán và bão có thể tác động đến hệ thống thủy lợi, năng suất cây trồng, suy thoái đất, mất cân bằng hệ sinh thái và tài nguyên nước, từ đó đe dọa nghiêm trọng đời sống của người dân địa phương vốn gắn chặt với sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo rằng sản lượng gạo trung bình của khu vực Đông Nam Á trong năm 2100 có khả năng suy giảm tới 50% so với năm 1990.

Việt Nam và Thái Lan dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm này.

Ngoài những tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp, tình trạng Trái đất nóng dần lên còn có thể tác động đến cộng đồng dân sinh ven biển, gây suy thoái san hô và làm ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch, giảm trữ lượng cá và khiến các cộng đồng dân cư ven biển dễ bị tác động hơn khi có bão, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của khu vực và công cuộc xóa đói giảm nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục